Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Khởi động “Thế hệ tiếp theo của EU”

Ảnh minh họa: pixabay.com

Liên minh châu Âu (EU) đã bắt đầu giải ngân khoản tiền mặt đầu tiên từ nguồn quỹ phục hồi hậu Covid-19 với tên gọi “Thế hệ tiếp theo của EU” (Next Generation EU) nhằm hỗ trợ các quốc gia thành viên bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Theo thông báo của Ủy ban châu Âu (EC) ngày 28-6, khoản tiền này sẽ hỗ trợ cho 16 quốc gia thành viên.

Gộp nợ chung để nâng đỡ thành viên yếu

Tại hội nghị thượng đỉnh tháng 12-2020, 27 nước thành viên EU đã đạt được sự đồng thuận lịch sử là gộp nợ chung – được chia sẻ giữa các thành viên EU nhằm giảm chi phí đi vay cho các thành viên yếu hơn – để tài trợ cho gói phục hồi trị giá 750 tỷ EUR (910 tỷ USD). Đây là lần đầu tiên EU tạo ra nhóm nợ chung, theo đó việc cho phép EC đứng ra vay tiền trên danh nghĩa của khối sẽ giúp các nền kinh tế yếu hơn trong khối giảm chi phí vay.

Gói hỗ trợ nhằm khôi phục kinh tế và giải quyết những tác động xã hội dưới hình thức trợ cấp để tạo việc làm và hỗ trợ các doanh nghiệp ở các nền kinh tế bị tàn phá do đại dịch, trong đó có Pháp, Đức, Đan Mạch, Estonia và Cộng hòa Séc… 500 tỷ EUR sẽ được chi dưới dạng tài trợ cho các nước và 250 tỷ EUR dưới dạng các khoản tín dụng. Trong 500 tỷ EUR tài trợ, 310 tỷ EUR sẽ được đầu tư vào các hoạt động chuyển đổi kinh tế số và kinh tế xanh. Quỹ phục hồi kinh tế hậu Covid-19 là một phần trong gói ngân sách dài hạn đến năm 2027 của EU với tổng trị giá 1.800 tỷ EUR (tương đương 2.190 tỷ USD) nhằm giải quyết những hậu quả về kinh tế và xã hội sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát. 

Hôm 15-6, EU thông báo đã huy động được 20 tỷ EUR (khoảng 24 tỷ USD) đầu tiên cho quỹ phục hồi. Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho biết, số tiền trên được huy động thông qua việc phát hành trái phiếu kỳ hạn 10 năm. Đến cuối năm nay, EU dự kiến sẽ phát hành trái phiếu và tín phiếu với giá trị 100 tỷ EUR nhằm cung cấp nguồn tài chính cho các khoản tài trợ và cho vay theo kế hoạch trong năm nay.

“Phép thử” cho đoàn kết nội khối

Liên quan đến kế hoạch phục hồi kinh tế của khối, ngày 25-6, tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels, các đại diện của Nghị viện châu Âu và các nước thành viên EU cũng đã đạt được thỏa thuận về cải cách chương trình trợ cấp nông nghiệp khổng lồ của khối, đưa ra các biện pháp mới nhằm bảo vệ các trang trại nhỏ và hạn chế tác động môi trường từ hoạt động nông nghiệp. 

Sau hội nghị thượng đỉnh, 27 nước thành viên EU hôm 28-6 cũng đã thông qua một dự luật, trong đó quy định tính ràng buộc pháp lý của các mục tiêu về giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của EU, mở đường cho cuộc cải cách chính sách nhằm giảm nhanh hơn lượng khí thải CO2. Theo kế hoạch, ngày 14-7 tới, EC sẽ đề xuất loạt chính sách định hình lại ngành công nghiệp, năng lượng, giao thông vận tải và nhà ở nhằm giảm nhanh hơn lượng khí thải CO2 để đáp ứng được mục tiêu đề ra. Các đề xuất sẽ bao gồm các mục tiêu tham vọng hơn về năng lượng tái tạo, cải cách thị trường carbon của EU và siết chặt tiêu chuẩn về khí thải đối với các ô tô mới. Một khi luật mới được thực thi, vấn đề khí hậu sẽ là trung tâm trong mọi quyết sách của EU, đảm bảo rằng các quy định trong tương lai đều nhằm thực hiện mục tiêu cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Giới chuyện gia nhận định, sau những bất đồng gay gắt, các nhà lãnh đạo 27 nước thành viên EU đã vượt qua mọi khác biệt để bắt đầu khởi động một “phép thử” trong công cuộc khôi phục hậu đại dịch, vì người dân và tương lai EU.

Theo Hạnh Chi / sggp.org.vn