Quyết định giảm tiếp công suất đường ống Nord Stream 1 được cho là phép thử từ Moskva về sức chịu đựng của châu Âu khi thiếu khí đốt Nga.
Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga thông báo từ ngày 27/7 sẽ cắt giảm lượng khí đốt cung cấp hàng ngày qua đường ống Nord Stream 1 tới châu Âu xuống còn 33 triệu mét khối, tương đương 20% công suất đường ống.
Công suất vận chuyển khí đốt tối đa của Nord Stream 1 là hơn 160 triệu mét khối mỗi ngày. Tuy nhiên, kể từ khi mở lại đường ống ngày 21/7 sau thời gian bảo trì, Nga chỉ vận hành Nord Stream 1 ở mức 40% công suất.
Nord Stream 1 mỗi năm vận chuyển khoảng 55 tỷ mét khối khí đốt cho Liên minh châu Âu (EU). Nguyên nhân liên tục cắt giảm công suất chuyển khí đốt cho châu Âu được Gazprom nêu ra là do “vấn đề kỹ thuật” liên quan đến tuabin tại trạm nén khí Portovaya.
Tuy nhiên, giới chức châu Âu bác bỏ lời giải thích từ phía Nga, cho rằng Moskva chỉ đang muốn “vũ khí hóa khí đốt” để gây áp lực lên phương Tây. “Dựa trên thông tin của chúng tôi, không có lý do kỹ thuật nào dẫn đến việc giảm lưu lượng nguồn cung khí đốt”, Bộ Kinh tế Đức cho hay.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tuần trước nói rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ muốn “gây sức ép lên chúng ta trước mùa đông này”, khi bà đề xuất các nước thành viên EU lập tức cắt giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt nhằm ưu tiên làm đầy kho dự trữ và chuẩn bị tốt hơn cho kịch bản Nga siết nguồn cung.
“Đây chính là kịch bản mà Chủ tịch von der Leyen đã đề cập trong phát biểu tuần trước”, phát ngôn viên của bà cho biết hôm 25/7. “Diễn biến này đã chứng minh những phân tích của chúng ta là chính xác”.
Tổng thống Putin tuần trước tuyên bố Nga sẽ thực hiện đầy đủ cam kết cung cấp khí đốt cho châu Âu, nhưng cảnh báo dòng chảy khí đốt qua Nord Stream 1 có thể sớm bị hạn chế nếu các lệnh trừng phạt từ phương Tây ngăn cản họ bảo trì, sửa chữa các bộ phận trong hệ thống. Điện Kremlin hôm qua bác cáo buộc rằng Gazprom đã can thiệp vào nguồn cung khí đốt để Nga tăng đòn bẩy chính trị với phương Tây.
Do nhiều quốc gia châu Âu phụ thuộc vào dòng khí đốt Nga vận chuyển qua Đức, nếu nguồn cung qua đường ống Nord Stream 1 không ổn định hoặc cạn kiệt, phần lớn châu lục sẽ lập tức cảm nhận được tác động của nó.
Nếu không tích trữ đủ khí đốt trong những tháng mùa đông giá buốt, khi nhu cầu sưởi ấm tăng cao, các chính phủ châu Âu cho hay họ có thể buộc phải phân bổ khí đốt theo định mức, trong đó ưu tiên cho các hộ gia đình, bệnh viện. Các cơ sở công nghiệp tiêu thụ nhiều khí đốt đứng trước nguy cơ bị cắt nguồn cung, dẫn đến đình trệ sản xuất.
Các nhà phân tích và quan chức cảnh báo khi kịch bản này xảy ra, nền kinh tế của châu Âu có nguy cơ chìm vào suy thoái. Cơ quan quản lý năng lượng liên bang Đức cho biết nước này sẽ đối mặt rất nhiều thách thức khi thực hiện mục tiêu lưu trữ khí đốt với lưu lượng qua đường ống Nord Stream bị giới hạn ở mức 40%, chứ chưa nói đến 20%.
Nếu đường ống Nord Stream bị khóa hoàn toàn và mùa đông sắp tới trở nên khắc nghiệt hơn, khí đốt trong kho dự trữ của châu Âu có thể cạn kiệt vào cuối tháng hai. Nhu cầu sưởi ấm sẽ giảm vào mùa hè tới, nhưng châu Âu vẫn phải tiếp tục chạy đua dự trữ khí đốt cho những tháng mùa đông sau đó.
Khi không có dòng khí đốt dồi dào từ Nga, mùa đông năm 2023 ở châu Âu thậm chí còn tồi tệ hơn nữa, công ty nghiên cứu thị trường và tư vấn Wood Mackenzie, trụ sở ở Anh, dự đoán. Trong khi đó, tác động đối với Nga khi cắt nguồn cung khí đốt tới châu Âu dường như không lớn.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), mặc dù các nhà xuất khẩu dầu và khí đốt của Nga đang bán được ít hàng hơn, giá năng lượng tăng cao đồng nghĩa nguồn thu của Moskva vẫn tăng lên.
Kể từ khi phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine hồi tháng hai, doanh thu của Nga từ xuất khẩu dầu và khí đốt sang châu Âu đã tăng gấp đôi so với mức trung bình của những năm gần đây, lên 95 tỷ USD.
Mức tăng doanh thu năng lượng của Nga trong 5 tháng qua gấp ba lần so với những gì nước này thu được khi xuất khẩu khí đốt sang châu Âu trong một mùa đông.
Với nguồn thu lớn, Nga có thể tiếp tục kéo dài chiến sự ở Ukraine, với tính toán rằng hóa đơn điện tăng vọt cùng cuộc khủng hoảng năng lượng có thể làm suy yếu ủng hộ của công chúng châu Âu với Ukraine, thúc đẩy một thỏa thuận có lợi cho Nga, theo Euro News.
“Dựa trên những gì chúng ta đã chứng kiến trong năm qua, sẽ là không khôn ngoan nếu loại trừ khả năng Nga từ bỏ doanh thu từ khí đốt xuất sang châu Âu để đạt được đòn bẩy chính trị ở Ukraine”, giám đốc điều hành IEA Fatih Birol nhận xét về động thái mới nhất của Moskva.
Tổng thống Putin tuyên bố dòng khí đốt qua Nord Stream 1 sẽ còn sụt giảm hơn nữa nếu tuabin của đường ống đã gửi đến Canada để sửa chữa không được trả lại vào cuối tháng 7, khi một tuabin khác sẽ ngừng hoạt động để bảo trì. Canada ban đầu giữ lại tuabin này, nhưng sau đó đồng ý trả lại cho Đức. Tuy nhiên, Nga được cho là đang “lần lữa” nhận lại tuabin từ Đức.
“Các đối tác của chúng tôi đang cố đổ trách nhiệm về những sai lầm mà họ đã gây ra cho Nga và Gazprom, nhưng điều đó hoàn toàn không có cơ sở”, ông chủ Điện Kremlin nhấn mạnh.
Để đối phó với kịch bản trên, EU đã chuyển sang sử dụng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đắt tiền hơn, được vận chuyển bằng tàu biển từ một số quốc gia như Mỹ hay Qatar.
Đức đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cảng nhập khẩu LNG trên bờ Biển Bắc, nhưng quá trình này sẽ mất nhiều năm với nguồn kinh phí lớn.
Dù vậy, chỉ riêng LNG sẽ không thể bù đắp thiếu hụt về khí đốt của châu Âu.
Các cơ sở xuất khẩu LNG của thế giới đang hoạt động hết công suất, trong bối cảnh nguồn cung năng lượng toàn cầu khan hiếm. Vụ nổ tại một cơ sở trung chuyển ở Freeport, Texas, hồi tháng 6, khiến lượng khí đốt của Mỹ đến châu Âu giảm 2,5%.
Tiết kiệm và tìm đến các nguồn nhiên liệu khác vẫn được châu Âu coi là chìa khóa giải quyết vấn đề. Đức đang mở lại các nhà máy nhiệt điện than, thiết lập một hệ thống đấu giá khí đốt nhằm khuyến khích tiết kiệm, đồng thời xây dựng lại toàn bộ hệ thống điều nhiệt trong các tòa nhà công cộng.
Các quốc gia đang chạy đua để đảm bảo nguồn cung năng lượng thay thế, với việc các lãnh đạo Italy, Pháp và EU đã ký một số thỏa thuận cùng các đối tác của họ ở Algeria, Azerbaijan và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất.
Dù vậy, IEA vẫn khuyến cáo các nước châu Âu nên tăng cường vận động người dân tiết kiệm năng lượng tại nhà hết mức và có kế hoạch chia sẻ khí đốt trong trường hợp khẩn cấp.
“Các lãnh đạo châu Âu cần chuẩn bị cho khả năng này ngay từ bây giờ để tránh những tổn thất có thể xảy ra do phản ứng thiếu đồng bộ vào mùa đông”, Birol nói. “Mùa đông năm nay có thể trở thành một bài kiểm tra lịch sử về tinh thần đoàn kết của châu Âu, phép thử mà họ không thể thất bại”.
Vũ Hoàng (Theo Euro News, NYTimes, WSJ)
Nguồn: vnexpress.net