Các nước châu Âu lo ngại Nga có thể trả đũa các lệnh trừng phạt bằng cách cắt nguồn cung khí đốt sang châu lục này. Bất kỳ quyết định nào của EU đều phải dựa trên sự nhất trí của tất cả 27 nước thành viên nhưng liên minh này nhìn chung có quan điểm rất khác nhau về Nga.
Châu Âu lo “gậy ông đập lưng ông”
Các đồng minh phương Tây của Mỹ đều có chung một mong muốn là ngăn cản chiến tranh trước khi bước vào những cuộc đàm phán trong tuần này nhằm hạ nhiệt căng thẳng với Nga, đồng thời cảnh báo Moscow sẽ đối mặt với lệnh trừng phạt nặng nề nếu có bất kỳ hành động tấn công nào. Các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và đồng minh thảo luận liên quan đến việc kiểm soát xuất khẩu, hạn chế Nga tiếp cận công nghệ và thậm chí loại Moscow khỏi hệ thống thanh toán tài chính toàn cầu.
Trong khi các thành viên Tây Âu trong Liên minh châu Âu (EU) vẫn cam kết nguyên tắc sẽ phản ứng mạnh mẽ thì một số nước cũng bày tỏ lo ngại với Mỹ về nguy cơ nền kinh tế của họ sẽ phải chịu tổn thất. Các quốc gia này cho biết họ vẫn đang đánh giá về các biện pháp trừng phạt.
Các nước châu Âu cũng lo ngại Nga có thể trả đũa các lệnh trừng phạt trên, thậm chí cắt nguồn cung khí đốt sang châu lục này giữa bối cảnh giá năng lượng cao kỷ lục. Bất kỳ quyết định nào của EU được đưa ra đều phải dựa trên sự nhất trí của tất cả 27 nước thành viên nhưng liên minh này nhìn chung có quan điểm rất khác nhau về Nga.
Mỹ đang tham vấn với lãnh đạo một số nước châu Âu trước thềm đàm phán với Nga, bao gồm Pháp, Đức, Anh và Italy. Washington cũng tiến hành trao đổi với một số nước Đông Âu.
Một số nhà quan sát cho rằng việc biến những tuyên bố hợp tác thành một thỏa thuận với những biện pháp cụ thể là một thách thức với phương Tây hiện nay.
Mạnh tay tới đâu với Nga?
Các quốc gia phương Tây đang thảo luận về các biện pháp có thể hành động với Nga, trong đó có việc loại Moscow khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, hạn chế khả năng đổi tiền của các ngân hàng Nga, áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu với những công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực hàng không, chất bán dẫn và một số nguyên liệu khác, cũng như máy tính và các loại hàng hóa tiêu dùng trong những biện pháp mạnh tay hơn.
Một cựu quan chức có liên hệ với chính quyền Mỹ cũng chỉ ra một mối lo ngại nữa là việc Đức sẽ tham gia vào kế hoạch này ở mức độ nào khi Berlin và Moscow vừa hoàn thành dự án gây tranh cãi Dòng chảy phương Bắc 2. Sự rời đi của Thủ tướng Đức Angela Merkel sau 16 năm cầm quyền cũng để lại khoảng trống của một nhà lãnh đạo châu Âu trong việc giải quyết quan hệ với Nga. Dòng chảy phương Bắc 2 hiện vẫn chưa đi vào hoạt động và vẫn đang chờ sự thông qua từ Berlin và Brussels.
“Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với những đối tác xuyên Đại Tây Dương cùng chí hướng. Sẽ không thể có sự đảm bảo an ninh ở châu Âu nếu không có sự đảm bảo an ninh ở Ukraine”, cao ủy EU về chính sách đối ngoại Josep Borrell đánh giá.
Các quan chức Nga và Mỹ đang trong quá trình đàm phán ở Geneva ngày 10/1 và cuộc gặp giữa hội đồng NATO và Nga cũng sẽ diễn ra trong tuần này, cùng với các cuộc trao đổi tại Vienna trong khuôn khổ của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu. Phía Mỹ hy vọng tìm kiếm điểm chung với Nga trong những cuộc đàm phán về kiểm soát vũ trang và tiến hành những trao đổi thường xuyên hơn giữa quân đội 2 nước. Dù vậy, Mỹ vẫn giữ vững cam kết với các đồng minh rằng nước này sẽ không thu hẹp quy mô triển khai quân đội ở Đông Âu.
Trong khi đó, Tổng thống Putin khẳng định, Nga hiện không có kế hoạch tấn công Ukraine song yêu cầu phương Tây đáp ứng một số đảm bảo an ninh của nước này.
Tối 9/1, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov và người đồng cấp Mỹ Wendy Sherman đã dùng bữa tối với nhau ở Geneva và thông báo với báo giới sau đó rằng những cuộc trao đổi ban đầu giống như “làm ăn” bởi các vấn đề cần giải quyết giữa 2 nước rất phức tạp.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trước đó nhận định với ABC News rằng sẽ không có đột phá nào trong những cuộc trao đổi tuần này./.
Nguoond: Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch)
Theo: Bloomberg