Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Cháy rừng Amazon hâm nóng G7 ở Pháp

Ảnh minh họa: pixabay.com

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang phải vật lộn đọc vị các nhà lãnh đạo trong lúc mong muốn Hội nghị thượng đỉnh G7 do Pháp tổ chức có thể đưa ra những thông điệp ý nghĩa về bất bình đẳng toàn cầu, thương mại và biến đổi khí hậu.

Các nhà lãnh đạo G7 và một số nước khách mời đã tề tựu tại thị trấn Biarritz bên bờ Đại Tây Dương cho cuộc họp 3 ngày từ 24-8. Đây là lần thứ 7 Pháp là nước chủ nhà G7.

Sau thất bại của hội nghị G7 năm ngoái ở Canada, với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump từ chối ký vào thông cáo chung, ông Macron dường như đã nghiệm ra được nhiều điều.

Châu Âu muốn họp khẩn về Amazon

Trong khi chính quyền Trump đã bắn tín hiệu rất rõ sẽ chỉ tập trung vào các vấn đề kinh tế, các thành viên châu Âu của G7 lại muốn có nhiều thời lượng hơn để bàn về cuộc khủng hoảng cháy rừng Amazon của Brazil.

Là rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới, vụ cháy rừng tồi tệ ở Amazon đang thu hút sự chú ý toàn cầu trong lúc Brazil chỉ trích các nước khác can thiệp vào công việc nội bộ của nước này.

Trả lời phỏng vấn báo giới tối 23-8 (giờ địa phương), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định sẽ đưa vấn đề cháy rừng lên ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự, nhấn mạnh một sự “diệt chủng sinh thái” đang diễn ra ở Amazon đòi hỏi phải có những phản ứng quốc tế.

Trước đó cùng ngày, Pháp và Ireland đe dọa sẽ phản đối thỏa thuận thương mại tự do giữa EU và nhóm Mercosur tập hợp các nước Brazil, Argentina, Uruguay và Paraguay nếu vụ cháy rừng không được giải quyết ổn thỏa.

“Không có cách nào Ireland sẽ bỏ phiếu cho Hiệp định thương mại tự do EU-Mercosur nếu Brazil không tôn trọng các cam kết môi trường của mình” – Thủ tướng Ireland Leo Varadkar nói thẳng trong một tuyên bố.

Thủ tướng Anh Boris Johnson, người sẽ có màn “chào sân” ở G7 năm nay, cũng đồng tình khi gọi vụ cháy rừng Amazon “không chỉ là một sự kiện đau lòng mà còn là một cuộc khủng hoảng quốc tế”.

Một người phát ngôn của Chính phủ Anh cho biết Thủ tướng Johnson sẽ sử dụng hội nghị G7 lần này để đưa ra những lời kêu gọi bảo vệ thiên nhiên.

Đức, nền kinh tế đầu tàu của EU, cũng lên tiếng ủng hộ thảo luận vụ cháy rừng Amazon tại G7.

“Phạm vi cháy rừng Amazon đang gây sốc và gây đe dọa không chỉ Brazil và những quốc gia bị ảnh hưởng khác, mà còn liên quan tới cả thế giới” – người phát ngôn thủ tướng Đức Steffen Seibert khẳng định tại Berlin ngày 23-8.

Sẽ không có thông cáo chung

Với ý định tập hợp các tiếng nói ủng hộ và tạo áp lực lên các thành viên của G7 về các vấn đề như bảo vệ dân chủ, bình đẳng giới, giáo dục và biến đổi khí hậu, ông Macron đã cho mời các lãnh đạo đến từ châu Á, châu Phi và Mỹ Latin cùng tham gia hội nghị lần này.

Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang chỉ một ngày trước khi hội nghị G7 khai mạc, cộng thêm vụ cháy rừng tồi tệ ở Amazon, chương trình nghị sự của ông Macron đang đứng trước nguy cơ bị gạt ra rìa sự chú ý.

Với tính cách của Tổng thống Trump tại các hội nghị đa phương, rằng sự tham dự của ông phải đem lại ít nhất một kết quả hay thỏa thuận thực chất, Pháp đã quyết định bỏ thông cáo chung ra khỏi chương trình hội nghị.

Các quan chức Mỹ cho biết ông Trump sẽ đưa ra các chính sách cắt giảm thuế và bãi bỏ quy định đồng thời gây áp lực lên các đồng minh làm theo tấm gương của ông để ngăn chặn các vấn đề của kinh tế toàn cầu.

Hội nghị G7 trong 2 năm qua luôn trong tình trạng căng thẳng vì những bất đồng giữa Mỹ và các nước còn lại. Năm 2017, hội nghị được đánh giá là “u ám” khi các nước đồng loạt lên án chính quyền Trump vì hành động rút khỏi thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu.

Đỉnh điểm của sự chia rẽ đã diễn ra vào năm ngoái tại Canada, khi các nhà quan sát gọi G7 là nhóm “G6+1” vì những mâu thuẫn không thể hòa giải giữa Mỹ và 6 nước còn lại dẫn tới việc ông Trump rời G7 mà không ký thông cáo chung.

Dù Tổng thống Pháp Macron tuyên bố ông đã “đối sách” với ông Trump, với hai sự khác biệt nổi cộm đã nêu, hội nghị G7 lần này sẽ là dịp để người ta kiểm tra tính hiệu quả của “phương pháp Macron”.

“Bạn biết đấy, nếu vấn đề đó là một lời hứa khi tranh cử của ông Trump, bạn đừng mong thay đổi được quan điểm của ông ấy, bởi động lực của ông ấy là chính trị Mỹ. Tôi hiểu và tôn trọng điều đó.

Dù chúng tôi có sự khác biệt trong nhiều vấn đề, tôi cho rằng đối thoại liên tục với ông Trump là cách để tránh những bất đồng chồng chất, cố gắng phát hiện và tận dụng những điểm chung và không nhượng bộ về những chuyện còn bất đồng” – ông Macron nói.

Theo Bảo Duy / tuoitre.vn