Cơ quan liên bang về an ninh thông tin (BSI) của Đức xác nhận lý do chậm chuyển giao dữ liệu về cuộc tấn công mạng nhắm đến hàng trăm chính trị gia, nhà báo, người nổi tiếng cho cảnh sát là do không biết quy mô thực sự của vụ việc.
Theo BBC, vụ tấn công mạng nhắm vào các nhà báo, người nổi tiếng, chính trị gia, trong đó có cả Thủ tướng Đức Angela Merkel xảy ra từ tháng 12-2018. Cụ thể:
Dữ liệu cá nhân gồm thông tin liên lạc, các đoạn chat riêng, thông tin về tài chính của tất cả các đảng ở Đức trừ đảng cực hữu AfD – Đảng Lựa chọn thay thế vì nước Đức bị công bố trên Twitter.
Địa chỉ email và rất nhiều lá thư đến và đi từ hộp thư của bà Angela Merkel bị công bố.
Các đoạn chat riêng tư của lãnh đạo đảng Xanh Robert Habeck với gia đình và chi tiết về thẻ tín dụng của bị công bố.
Phóng viên các đài truyền hình ARD, ZDF, một số nghệ sĩ, ca sĩ cũng bị rò rỉ thông tin.
Bộ Nội vụ Đức cho rằng không có bằng chứng cho thấy Quốc hội hoặc chính phủ đã bị xâm phạm, hiện không rõ liệu vụ tấn công là do bị hack hay do ai đó có quyền truy cập làm rò rỉ dữ liệu. Câu hỏi Ai/tổ chức nào đứng sau vụ việc cũng chưa được trả lời.
Chủ tịch BSI Arne Schoenbohm trả lời đài truyền hình Phoenix rằng cơ quan của ông “trao đổi với một số thành viên quốc hội bị ảnh hưởng ngay từ đầu tháng 12 và thành lập nhóm “cơ động” phụ trách vụ việc. Tuy nhiên, theo thông báo ngày 5-1, BSI nói rằng họ chỉ phát hiện 5 trường hợp lẻ tẻ trong nhiều tuần và không thể kết nối các vụ việc lại với nhau cho đến ngày 3-1.
Các chính trị gia như Dietmar Bartsch, thành viên Quốc hội, nhà lập pháp André Han,… không hài lòng với lời giải thích này. Họ gọi việc giữ bí mật về vụ tấn công là “không thể chấp nhận được” và nghi cơ quan BSI “che giấu điều gì đó”.
Hậu quả thực sự của vụ tấn công hiện chưa được xác định mặc dù Bộ trưởng Tư pháp Katarina Barley cho rằng đây là một vụ việc nghiêm trọng. “Người nào đứng sau nó muốn hủy hoại lòng tin vào nền dân chủ và các cơ quan của chúng ta”, bà nói.
Theo Hồng Vân / tuoitre.vn