Thời của tôi đã qua những đói nghèo như thế hệ của ông bà tôi, nhưng để có tiền cho lợn “ăn” đâu phải dễ dàng.
Cách đây vài ngày, tôi đọc được bài chia sẻ của PGS.TS. Phạm Văn Tình về “Con lợn…nhựa”, bỗng dưng thấy kí ức về tuổi thơ lại ùa về. Dù chẳng phải thế hệ của các bậc tiền bối 6X để có thể thấy những chú lợn đất nung “vừa thô vừa xấu” như chú Tình miêu tả nhưng tuổi thơ của tôi cũng gắn liền với những chú lợn nhựa nhiều màu sắc.
Khi tôi tầm 5-6 tuổi, mẹ sắm cho tôi một chú lợn nhựa màu vàng trên lưng có một khe nhỏ để bỏ tiền vào. Mẹ bảo: “Lợn này được nuôi bằng tiền, thế nên, nếu được cho ăn đầy đủ, chú ta sẽ rất nhanh lớn! Mít chịu khó chăm, đến đầu năm học sau biết đâu sẽ đủ tiền mua quần áo mới và xe đạp đẹp ”.
Vậy là từ đó, tiền mẹ cho ăn sáng hay tiền được họ hàng mừng tuổi mỗi dịp Tết, tiền ông bà thưởng khi được điểm cao,… tôi đều để nuôi lợn. Có nhiều lần, vì bị thu hút bởi những thanh kẹo ngọt ngào nhiều màu sắc, hay đôi dép nhựa xinh xinh, tôi đã dùng một chiếc đũa làm rộng “miệng” chú lợn nhựa để moi tiền, may mắn thay hành động đó đều bị mẹ hoặc bà nội phát hiện, hai người nhìn tôi cười rồi bảo: “Mỗi lần bị “cấu thịt” như thế là đau lắm đấy, khổ thân chú lợn”. Thế là tôi lại hấp tấp cho tất cả số tiền lẻ vừa moi ra vào lại trong bụng lợn.
Thời của tôi đã qua những đói nghèo như thế hệ của ông bà tôi, nhưng để có tiền cho lợn “ăn” đâu phải dễ dàng. Vì được ông nội hứa, mỗi điểm 9-10 sẽ thưởng tiền nên ngoài giờ học trên lớp, chiều nào tôi cũng tự học lại bài để sáng mai “cày điểm”.
Vì bố tôi là bộ đội đóng quân ở biên giới, mẹ là cán bộ nhà nước nên sáng sáng mẹ phải đi làm sớm, tiền mẹ cho để hai chị em ở nhà mua bánh ăn tôi đều bớt lại một nửa để nuôi lợn, bởi thế tôi cứ gầy còm dần, đến mức mẹ phải nhắc: “Nếu Mít cứ nhường cho lợn hết tiền ăn như thế thì mẹ sẽ cắt tiền mua quà sáng. Tiền thưởng và tiền mừng tuổi con có thể bỏ lợn để tiết kiệm, nhưng tiền ăn thì phải dùng đúng mục đích”.
Thời đó, tôi chưa hiểu gì về khái niệm tiết kiệm, cũng chẳng biết tiết kiệm là thói quen tốt hay xấu. Chỉ biết rằng, tiền là “thức ăn” duy nhất của lợn nhựa, và vì mẹ đã để tôi nuôi “em nó” nên tôi không thể để lợn đói mà “chết”. Sợ bị mẹ cắt tiền quà sáng nên tôi chia một nửa số tiền bỏ vào nuôi lợn, một nửa mua đồ ăn.
Chú lợn nhựa của tôi cứ thế béo mầm theo những suy nghĩ ngây ngô của “cô chủ”. Đến gần Tết, mẹ bảo sẽ mổ lợn lấy tiền mua đồ đẹp cho hai chị em, tôi đã khóc cả buổi và nhất quyết không chịu, bởi tôi sợ mất đi em lợn. Tôi chẳng cần quần áo đẹp, chỉ cần tối tối vẫn được ôm theo em lợn màu vàng đi ngủ, hàng tuần háo hức mong ông về tiếp thêm “lương thực” để tôi nuôi em ấy.
Mẹ phải động viên rằng chú lợn của tôi đang rất “khó thở” vì bị cho ăn no quá. Mẹ hứa sẽ mua cho tôi một chú lợn khác để tôi tiếp tục nuôi. Khi đó tôi mới miễn cưỡng gật đầu đồng ý.
Ngày nay, chẳng khó khăn để thấy những chú lợn đất nhiều màu sắc được bày bán trên đường, những chú lợn nhựa có lẽ cũng chỉ còn là tuổi thơ của trẻ em vùng nông thôn. Đó vốn dĩ là một sự phát triển tất yếu và cần thiết. Thế nhưng sự biến tấu trong các đối xử với tiền của trẻ em ngày nay lại khiến nhiều bậc phụ huynh cần xem lại.
Tôi thấy trẻ em bây giờ “khôn” quá, Tết đến, tiền mừng tuổi chẳng còn mang ý nghĩa thiêng liêng như ngày xưa, dăm đồng ba đồng đều khiến trẻ nhỏ nhảy cẫng lên vì vui mừng. Trẻ ngày nay cứ phải thấy những gói lì xì đừng tiền polyme mệnh giá trên 50.000 thì mới mỉm cười, nếu không là chúng “ngúng nguẩy” quên cả tiếng cảm ơn.
Cách chúng xử lý sau khi “mổ lợn” cũng khác lắm rồi. Ngày xưa, chúng tôi đưa hết tiền mổ lợn cho bố mẹ để mua sách vở, quần áo hay chiếc xe đạp mới, bố mẹ quản lý thì ngày nay chẳng dễ để “ăn dỗ” tiền của trẻ. Và thói quen nuôi lợn đất cũng chẳng còn khiến nhiều trẻ nhỏ háo hức, bọn trẻ thích tiêu tiền hơn việc tiết kiệm tiền.
Tôi không biết nhiều bậc phụ huynh khác dạy con về trách nhiệm tài chính, tính tiết kiệm như thế nào, nhưng với tôi, đó là một vấn đề “mất ăn mất ngủ” tìm phương pháp giáo dục tính tiết kiệm cho con, bởi bọn trẻ khó hiểu được giá trị của đồng tiền và làm thế nào để tiết kiệm. Loay hoay mãi khiến tôi quên đi một cách dạy con đơn giản mà hiệu quả do chính mẹ và bà nội truyền dạy thông qua những chú lợn nhựa.
Chiều nay tan sở, tôi sẽ tìm mua 2 chú lợn…gốm. Màu vàng cho tôi và màu hồng cho 2 bé nhà tôi. Tôi sẽ dạy bé bài học về sự tiết kiệm qua chú lợn xinh yêu.
Cảm ơn PGS.TS. Phạm Văn Tình đã khơi gợi lại phần kí ức đã ngủ vùi vì những tất bật của cuộc sống của tôi. Tấm vé miễn phí mà chú Tình tặng để tôi về với tuổi thơ của mình khiến tôi thấm thía nhiều điều. Và có lẽ, sự bắt đầu của tôi chưa là quá muộn để dạy cho các con về sự tiết kiệm và cách tiêu tiền…
Theo An Yên / nguoiduatin.vn