Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) chuẩn bị tung thêm nhiều biện pháp kích thích cho khu vực đồng EUR (Eurozone) tại cuộc họp cuối cùng trong năm vào ngày 10-12, trong bối cảnh nền kinh tế khu vực này bị vùi dập bởi làn sóng dịch Covid-19 thứ hai.
ECB cũng sẽ công bố điều chỉnh giảm các dự báo kinh tế sau khi gia tăng đột biến các trường hợp lây nhiễm Covid-19 buộc nhiều thành viên phải đóng cửa nền kinh tế, bất chấp triển vọng tiêm chủng hàng loạt vaccine phòng Covid-19 từ cuối tháng 12-2020.
Các nhà phân tích kỳ vọng ECB sẽ bổ sung 500 tỷ EUR (600 tỷ USD) vào chương trình mua trái phiếu khẩn cấp. Hiện tổng số vốn cam kết của chương trình này là 1.350 tỷ EUR và có thể gia hạn thêm khi chương trình hết hạn vào tháng 6-2021. Chương trình nhằm giữ cho chi phí đi vay ở mức thấp để khuyến khích chi tiêu và đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. ECB cũng có thể cung cấp nhiều khoản tín dụng cho các ngân hàng trong thời gian dài hơn theo một kế hoạch được gọi là TLTRO. Theo đó các ngân hàng được vay với lãi suất rất ưu đãi để tăng cường các khoản vay cho các nền kinh tế.
Ngoài ra, ECB chắc chắn sẽ giữ lãi suất ở mức thấp nhất trong lịch sử. Chủ tịch ECB Christiane Lagarde có khả năng sẽ nhắc lại lời đề nghị các chính phủ chia sẻ gánh nặng thông qua kích thích tài chính của từng nước. Theo dự báo của ECB vào tháng 9, tăng trưởng kinh tế trong quý 4-2020 đạt 3,1%. Con số này giờ đây trở nên quá xa rời thực tế. Tuy nhiên, vẫn còn chút hy vọng khi vaccine phòng Covid-19 có thể được tiêm chủng hàng loạt ở châu Âu vào đầu năm 2021, mở đường cho sự mở cửa trở lại của các nền kinh tế trong Eurozone nói riêng và thế giới nói chung.
Một khó khăn khác mà ECB rất khó giải quyết ngay từ trước đại dịch Covid-19 là tỷ lệ lạm phát khó đạt mức gần 2%. Theo dữ liệu của Eurostat (Cơ quan thống kê EU), lạm phát của Eurozone vẫn ở mức -0,3% trong tháng 11, đây là tháng thứ 4 liên tiếp lạm phát giảm. ECB đặt mục tiêu lạm phát chỉ ở mức dưới 2% trong 2 năm, một khái niệm giờ đây được hiểu là có thể phải kéo dài hơn. Bà Isabel Schnabel, thành viên Ủy ban Cố vấn kinh tế Đức, nhận định: Bằng cách chấp nhận lạm phát quay trở lại chậm hơn mục tiêu ban đầu và tập trung kéo dài thời gian hỗ trợ chính sách, các ngân hàng trung ương thành viên Eurozone có thể giảm thiểu một cách hiệu quả những rủi ro tiềm tàng trong ổn định tài chính. ECB đã làm nhiều việc như mua khoản nợ khó đòi trị giá hàng ngàn tỷ EUR trong 5 năm qua, cắt giảm lãi suất xuống mức âm và trợ cấp cho các ngân hàng bằng cách trả tiền vay cho họ. Tất cả đều nhằm thúc đẩy tăng trưởng.
Theo Khánh Bình / sggp.org.vn