Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Dân túy lại trỗi dậy ở châu Âu

Ảnh minh họa: pixabay.com

Cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) vào tháng 5-2019 sẽ có nhiều thay đổi khi phe cực hữu, dân túy trên khắp châu lục đang hợp tác “xuyên quốc gia” với kế hoạch chống Liên minh châu Âu (EU).

Thông thường, bầu cử EP không “đa quốc gia” như người ta vẫn nghĩ và thường gồm một số chiến dịch tranh cử xoay quanh các vấn đề quốc gia và chiến dịch tại mỗi quốc gia thường tránh đụng chạm nhau.

Nhưng năm nay, thay vì chỉ bắt tay thông qua các chiến dịch truyền thông trên mạng, các nhóm chống EU đang công khai hợp tác xuyên biên giới để đạt được các mục tiêu chung trong cuộc bầu cử quan trọng bậc nhất châu Âu.

Chống Brussels

Mới đây, đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) trong tuyên bố tranh cử EP ngày 13-1 kêu gọi Đức rời khỏi EU, gọi là “Dexit”, nếu khối này không cải tổ. 

Alexander Gauland – một lãnh đạo của AfD – cảnh báo: “Chúng ta không cần xóa bỏ EU, chỉ cần đưa nó trở lại cốt lõi hợp lý”.

AfD được thành lập năm 2013 với mục tiêu đưa Đức khỏi khối sử dụng đồng euro nhưng sau đó đẩy mạnh các hoạt động bài trừ nhập cư, chống Hồi giáo và trở thành đảng đối lập mạnh nhất tại Bundestag của Đức.

Dù chủ trương của AfD lập tức bị nhiều chính trị gia cấp cao của Đức phản đối, đảng này khẳng định các đảng chủ nghĩa quốc gia dân tộc khác như Đảng Tự do Áo hay Lega Ý sẽ ủng hộ họ. 

 

Cả hai đảng đều nằm trong liên minh cầm quyền tại Vienna và Rome.

Tuần trước, các lãnh đạo dân túy của Ý và Ba Lan bắt tay thành lập trục Ý – Ba Lan nhằm tạo đối trọng với trục Pháp – Đức đầy quyền lực ở châu Âu. 

Thủ tướng chủ trương chống người nhập cư Viktor Orban lập tức tán dương mối liên kết này. 

Matteo Salvini – phó thủ tướng Ý và lãnh đạo của Đảng Lega, trong cuộc gặp với lãnh đạo Jaroslaw Kaczynski của Đảng Luật pháp và công lý cầm quyền tại Ba Lan – đã thảo luận về kế hoạch lập một nhóm trong EP sau cuộc bầu cử tháng 5-2019.

Ông Salvini cũng có cuộc gặp với lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen của Pháp và Phó thủ tướng Heinz Christian Strache của Áo bàn về những thay đổi, lập liên minh, chống người nhập cư và chống Brussels.

Hay tại Pháp, phong trào biểu tình dân túy “áo vàng” làm chao đảo chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron cũng nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt từ Anh, Đức cho đến Hungary, Serbia và dĩ nhiên là của các đảng cực hữu.

Trong khi đó, đầu còn lại của trục Pháp – Đức cũng lao đao khi Thủ tướng Angela Merkel rút khỏi vị trí lãnh đạo Đảng Liên minh dân chủ Thiên Chúa giáo sau các cuộc bầu cử thất bại để mất phiếu vào tay AfD.

Kịch bản nào cho châu Âu?

Vậy liệu chủ nghĩa dân túy châu Âu có làm nên chuyện tại cuộc bầu cử tháng 5-2019? 

Một số dự đoán cho rằng các đảng theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu và cực hữu có thể giành từ 20 – 30 số phiếu và trở thành lực lượng mạnh nhất trong nghị viện mới nếu họ hợp tác với nhau.

Dù vậy, giới phân tích vẫn cho rằng sự bành trướng của chủ nghĩa dân túy sẽ gặp hai giới hạn lớn. 

Một là khả năng hợp tác “xuyên quốc gia” sẽ khó tiếp diễn bởi vẫn còn nhiều khác biệt và khó đưa ra thông điệp chung trên khắp châu lục. 

Hai là các nghị sĩ Anh theo khuynh hướng hoài nghi châu Âu sẽ không còn tham gia nghị viện khi London rời EU vào tháng 3-2019.

Nhưng phá bỏ thì dễ, xây dựng mới thực sự khó. Đây là kịch bản đã từng chứng kiến ở Brexit khi chính trị gia chủ trương chống châu Âu Nigel Farage đã đẩy Anh rời EU. 

Hậu quả là Anh lâm vào cuộc khủng hoảng chính trị và hiến pháp nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ và tạo ra sự phân cực chính trị sẽ còn kéo dài nhiều năm tới.

Số phận tương tự có thể xảy ra với châu Âu nếu phần còn lại của chính trường châu Âu không thể đoàn kết và đưa ra lộ trình chung, đưa ra các lợi ích của liên minh về chính trị, kinh tế, môi trường… cho thế hệ sau. 

Dù kịch bản nào xảy ra, đây cũng sẽ là cuộc bầu cử thú vị nhất từ trước đến nay của châu Âu, khi mà khối này có quá nhiều thứ để mất.

Bầu cử EP đa quốc gia nhất thế giới

Về lý thuyết, bầu cử EP là đợt bầu cử mang tính đa quốc gia nhất thế giới và các nghị viên sẽ không làm việc tại riêng một nước nào.

Trao đổi với nhau thông qua phiên dịch, 751 thành viên EP, năm nay giảm còn 705 thành viên, đến từ các đảng xuyên quốc gia, trong đó bao gồm hai đảng lớn là Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) trung hữu và Đảng Xã hội châu Âu (PES), sẽ đại diện cho 450 triệu dân của châu Âu.

Cuộc bầu cử cũng sẽ xác định ra các chủ tịch của Ủy ban châu Âu, Hội đồng châu Âu – cơ quan chính trị cao nhất EU, Quốc hội, Ngân hàng Trung ương châu Âu và đại diện ngoại giao cấp cao.

Thei Trần Phương / tuoitre.vn