Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Đây là ý tưởng ‘hiến kế’ xuất sắc nhất cho giao thông Hà Nội vừa được thưởng 2 tỷ đồng: Phát triển BRT và đường sắt đô thị, chuyển người dân đi xe máy sang xe bus…

Ảnh: ttvn.vn

Cuộc thi phát động từ tháng 1 có tổng giá trị giải thưởng 7 tỷ đồng đã tìm được người chiến thắng. Không có giải nhất, giải nhì được trao cho một liên danh viện với 7 chiến lược giao thông dành cho Hà Nội

Cách đây 8 tháng, Sở GTVT Hà Nội đã phát động cuộc thi về ‘ý tưởng phương án tổ chức, chống ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030’. Cuộc thi đã thu hút nhiều sự chú ý của dự luận, với tổng giá trị giải thưởng của là lên đến 7 tỷ đồng, với giải Nhất trị giá hơn 4 tỷ đồng, giải Nhì trị giá hơn 2 tỷ đồng).

Đây cũng là lần đầu tiên Chính quyền Hà Nội phải kêu gọi sự ‘hiến kế’ của người dân trước bài toán giao thông ‘càng giải càng không có lối ra’ của thủ đô. Còn nhớ, thời điểm cuộc thi được công bố lúc Tết nguyên đán 2017 sắp đến gần, Hà Nội chứng kiến tình trạng giao thông tồi tệ khi nhiều ngả đường đều bị tắc nghẽn.

Mới đây, những ý tưởng thắng cuộc trong cuộc thi đã chính thức được công bố. Cụ thể, cuộc thi ý tưởng chống ùn tắc giao thông do Hà Nội tổ chức đã không có giải Nhất, chỉ có giải Nhì trị giá hơn 2 tỷ đồng thì được trao cho đơn vị liên danh.

Lãnh đạo sở GTVT Hà Nội đã xác nhận rằng Sở cùng UBND TP.Hà Nội tiến hành công bố và trao giải cuộc thi vào chiều ngày 8/9 vừa qua. Không có đơn vị đạt giải Nhất, Giải Nhì đã được trao cho liên danh viện Quy hoạch đô thị & nông thôn Quốc gia (VIUP) – Nikken Sekkei Civi Engineering LTD (NSC) – Nikken Sekkei Reseach Institute (NSRI). Ngoài ra, có 5 đơn vị khác lọt vào vào vòng chung khảo cũng đã được nhận số tiền hỗ trợ là 25.000 USD.

Vậy ý tưởng giải cứu giao thông Hà Nội được đánh giá xuất sắc nhất cuộc thi này có gì đặc biệt?

Trả lời báo chí thì đại diện của liên danh viện Quy hoạch đô thị & nông thôn Quốc gia (VIUP) – Nikken Sekkei Civi Engineering LTD (NSC) – Nikken Sekkei Reseach Institute (NSRI) cho hay rằng nhóm đã lên 7 chiến lược trong giải pháp chống ùn tắc giao thông cho Hà Nội.

Chúng bao gồm có:

1. Mở rộng đô thị phải đồng bộ với mở rộng mạng lưới giao thông. Đô thị xây đến đâu phải có đường xây cùng đến đó, phát triển một cách đồng bộ.

2. Cải tạo lại hệ thống giao thông dành cho các phương tiện cá nhân. Tháo gỡ những nút giao gây ách tắc giao thông, bố trí thêm các bãi đỗ xe…

3. Phát triển hệ thống giao thông công cộng, mà cụ thể ở đây là phát triển hệ thống xe buýt nhanh BRT, hệ thống đường sắt đô thị…

4. Giải pháp mềm chuyển đổi dần nhu cầu, ý thức của người dân từ việc chuyển đổi xe máy, xe cá nhân sang phương tiện giao thông công cộng (như xe bus).

5. Đề ra biện pháp quản lý giao thông, những luật lệ giao thông mà mọi người phải nghiêm chỉnh chấp hành, trách ùn tắc.

6. Phát triển đô thị theo hình thức TOD, tức là phát triển các điểm khớp nối giao thông, phát triển theo định hướng ưu tiên giao thông công cộng.

7. Lộ trình để thực hiện những chiến lược trên. Thứ tự các chiến lược ngắn hạn và dài hạn. Sự liên kết phát triển trong việc thực hiện các chiến lược trên.

Theo đơn vị này, thì thành phố Hà Nội cần đặc biệt chú ý đến giải pháp ‘mềm’ bên cạnh những giải pháp ‘cứng’. Đó chính là mục 4 ở trên – câu chuyện muôn thuở làm sao để giáo dục nâng cao ý thức của người dân.

Đồng thời, chính quyền thành phố cũng nên điều chỉnh giải phân cách mềm theo nhu cầu đi lại. Chẳng hạn, một tuyến đường đang có giải phân cách và mỗi bên là 2 làn đường, buổi sáng người đi vào thành phố nhiều hơn thì có thể dịch chuyển một chút như một bên 3 làn và một bên là 1 làn và ngược lại.

Theo Văn Lê / ttvn.vn