Các công ty vẫn làm việc với Huawei sẽ bị chính phủ Mỹ phạt số tiền lớn, kèm án hình sự cho những người đứng đầu.
Hai tuần qua, Huawei đã mất gần như tất cả đối tác quan trọng sau khi bị Mỹ cho vào danh sách đen thương mại, chỉ trừ Microsoft – công ty lớn duy nhất hiện không rõ ràng trong các lệnh cấm với hãng Trung Quốc này. Theo Verge, hãng phần mềm Mỹ có thể đang chơi “trò cá cược mạo hiểm” nếu không tuân thủ nghiêm ngặt lệnh cấm của chính phủ như Google, ARM hay Corning.
Microsoft là một trong những đối tác phần mềm lớn nhất của Huawei khi cấp phép và bảo trì hệ điều hành Windows trên tất cả máy tính xách tay của hãng. Tuy nhiên, tập đoàn được sáng lập bởi Bill Gates vẫn chưa đưa ra tuyên bố chính thức nào về lệnh cấm mà chỉ âm thầm rút tên Huawei khỏi trang web hỗ trợ.
Một bên là đối tác lâu năm, một bên là chính phủ Mỹ có thể khiến Microsoft cảm thấy “khó xử”. Nhưng vấn đề nhạy cảm này của công ty cũng khiến các chuyên gia của Verge đặt ra câu hỏi: Nếu Microsoft (hoặc bất kỳ công ty nào khác) bất chấp lệnh cấm thương mại với Huawei, hình phạt nào họ sẽ phải đối mặt?
Giả định được hầu hết người trong ngành luật tại Mỹ nhắc đến là Microsoft chỉ đang “câu giờ” và cuối cùng vẫn sẽ phải thực hiện điều tương tự Google đã làm. Lý do đơn giản là bởi công ty không đủ khả năng để chống lại lệnh cấm từ chính quyền của ông Trump.
Hình phạt cho các công ty bất chất lệnh cấm xuất khẩu của chính phủ là từ phạt tiền dân sự đến việc bị từ chối xuất khẩu hàng loạt thành phẩm khác. Nếu hành vi vi phạm đủ nghiêm trọng, cơ quan Thực thi Xuất khẩu của Bộ Công nghiệp và An ninh Mỹ (BIS) sẽ áp lệnh phạt hình sự với cá nhân hoặc người đứng đầu của bên liên quan. Đầu tháng 5 vừa qua, một người đàn ông ở New Jersey cũng bị kết án tù vì âm mưu xuất khẩu vũ khí sang Ukraine.
Với trường hợp của Microsoft, nếu vi phạm, chỉ tính riêng các hợp đồng với chính phủ Mỹ và các đối tác quốc tế khác bị ảnh hưởng, công ty sẽ mất rất nhiều tiền trước khi mối đe dọa về một án hình sự dược nêu ra.
Không chỉ các công ty Mỹ cần cẩn thận, bất kỳ công ty nào sở hữu giấy phép công nghệ được cấp từ Mỹ đều phải tuân theo lệnh cấm và các hạn chế tương tự. Ví dụ rõ ràng nhất chính là ARM – công ty có trụ sở tại Anh, thuộc sở hữu của SoftBank (Nhật Bản). Công ty này thậm chí cũng không tự sản xuất chip mà chỉ bán các kiến trúc vi xử lý nhưng vẫn nằm trong lệnh cấm bởi nhiều công nghệ được chính phủ Mỹ cấp phép.
Tổng thống Donald Trump từng ám chỉ rằng lệnh cấm với Huawei có thể được gỡ bỏ khi đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc. Nhiều khả năng những diễn biến mang tính bước ngoặt sẽ diễn ra trước ngày 25/6, thời điểm mức thuế mới được áp lên hàng hóa của hai nước có hiệu lực. Microsoft có thể đang chờ đợi động thái mới của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung trước khi đưa ra quyết định chính thức.