Cháu tôi và nhiều bạn bè của nó xem những hành vi trộm cắp, đi lậu vé tàu, bắt hải sản trái phép… như một chiến tích thay vì phải thấy xấu hổ.
Thằng cháu đi xuất khẩu lao động ở Nhật về. Anh chị tôi làm tiệc ăn mừng. Trong bữa tiệc có rất đông bạn bè của cháu. Gặp lại nhau sau mấy năm xa cách, tụi nó thao thao bất tuyệt đủ chuyện trên trời dưới đất; trong đó chuyện “đi Nhật” của thằng cháu là xôm tụ nhất.
Ngoài chuyện công việc, ăn ở, sinh hoạt, nội dung khiến đám bạn của thằng cháu tôi thích thú là những “chuyện bên lề” như lấy trộm đồ ở siêu thị; hái trộm rau, củ quả trong ruộng của người dân; bắt cua trong mùa sinh sản, đi lậu vé tàu… Sau mỗi câu chuyện, đám bạn lại vỗ tay rào rào, cụng ly côm cốp với những lời lẽ thán phục.
Tôi không hiểu hết những việc mà thằng cháu kể lại vì chưa từng sống ở Nhật nhưng có điều tôi biết chắc là những việc ấy cháu và đám bạn bên đó đã làm trót lọt. Nếu không, chúng đã chẳng được về nước để ngồi đây kể lại “chiến tích” của mình. Nhìn những gương mặt trẻ bừng bừng phấn khích, đồng thanh tung hô những việc làm sai trái, thậm chí phạm pháp của thằng cháu mà tôi thấy lòng buồn vô hạn.
Chợt nhớ cách đây chưa lâu tôi đã từng đọc một bài báo viết về tình hình tội phạm nước ngoài ở Nhật gia tăng thời gian gần đây. Bài báo dẫn báo cáo của Cơ quan cảnh sát Nhật Bản công bố tình hình bắt giữ tội phạm nước ngoài trong năm 2014, trong đó liên quan đến người Việt Nam là 2.488 vụ, tăng 61,6% so với năm 2013. Tính ra, trung bình mỗi ngày xảy ra 8 vụ ăn trộm dính đến người Việt Nam.
Báo cáo cũng cho biết trong số các vụ án hình sự, thì người Việt đứng đầu về cả số vụ lẫn số người trong các tội cướp giật, ăn cắp. Đặc biệt tăng là các vụ ăn cắp. Số người Việt ăn cắp bị bắt giữ là 1.745 trong tổng số 6.716 người nước ngoài bị bắt. Trong các trường hợp ăn cắp do người Việt Nam thực hiện thì số vụ ăn cắp ở cửa hàng, siêu thị đặc biệt cao với 1.437 vụ… Số tội phạm là người Việt Nam tại Nhật Bản chỉ xếp sau lao động Trung Quốc!
Những con số làm xấu hổ tất cả những ai có lòng tự trọng và tự hào dân tộc. Không quơ đũa cả nắm nhưng rõ ràng những con số ấy không thể không quan tâm vì ít nhiều nó cũng khiến người dân bản địa có cái nhìn không tốt về lao động Việt Nam trên đất nước họ và làm ảnh hưởng đến cơ hội học tập, làm việc của nhiều người khác. Ấy thế mà cháu tôi và nhiều bạn bè của nó lại xem những hành vi vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật ấy như một chiến tích, một niềm tự hào thay vì phải xấu hổ.
Vì đâu nên nỗi? Chính là vì nhận thức của một bộ phận người trẻ như cháu tôi và bạn bè của nó. Nhưng sâu xa hơn chính là sự giáo dục và các chuẩn mực đạo đức, pháp luật đã không được chú trọng. Khi người ta không phân biệt được phải trái, các giá trị của cuộc sống bị đảo lộn thì sẽ dẫn đến những ngộ nhận, lầm lẫn như vậy.
Phải làm sao đây? Câu hỏi ấy đau đáu trong lòng tôi khi từ buổi tiệc trở về…
Theo Minh Phúc/motthegioi.vn