Chính phủ Đức đang trả tiền cho các đại sứ quán để tổ chức các “buổi điều trần đại sứ”, thẩm vấn người tị nạn nhằm xác định quốc tịch của họ.
Báo Đức DW ngày 9-1 cho biết những “buổi điều trần đại sứ” này là phương án để giải quyết hơn 250.000 trường hợp nhập cư bất hợp pháp ở Đức. Đây là nhóm người còn ở lại vì không thể xác minh quốc tịch.
Theo DW, trong hai năm 2019 và 2020, hơn 1.100 người Nigeria và gần 370 người Ghana đã bị triệu tập, xếp kế tiếp là người đến từ Gambia và Guinea.
Đa số họ đều bị gọi đến để thẩm vấn. Theo chính phủ, các buổi thẩm vấn này là hợp pháp và cần thiết.
“Các buổi điều trần là công cụ thiết yếu để xác định quốc tịch của những người có nghĩa vụ phải rời khỏi đất nước này. Giấy thông hành chỉ có thể được cấp khi xác định được quốc tịch của họ. Những buổi điều trần như thế được thực hiện dựa trên luật pháp Đức từ nhiều năm nay và đã chứng tỏ được tác dụng của mình”, người phát ngôn của Bộ Nội vụ Đức trả lời DW.
Hội đồng Quan hệ đối ngoại Đức (DGAP) ước tính trong năm 2020, khoảng 250.000 người sống tại Đức không có tư cách cư trú hợp pháp.
Khi nhậm chức Bộ trưởng Nội vụ Đức vào năm 2018, ông Horst Seehofer hứa sẽ giảm số dân nhập cư bất hợp pháp tại Đức. Và theo DGAP, khoảng 22.000 người đã bị trục xuất trong năm 2019.
Giới quan chức Đức cho rằng quốc gia xuất sứ của người tị nạn có trách nhiệm đảm bảo công dân của họ phải quay trở về nếu không được phép ở lại Đức. Berlin cũng cáo buộc nhiều đại sứ quán của các nước châu Phi chậm chạp trong việc cấp các tài liệu cần thiết cho phép trục xuất.
Vấn đề này lại nổi lên bất cứ khi nào Thủ tướng Đức Angela Merkel đến thăm châu Phi. Một số nhà ngoại giao ở các nước châu Phi cho biết Chính phủ Đức đã gây áp lực để buộc họ phải tuân theo.
Thành viên các đảng đối lập tại Đức đã lên tiếng chỉ trích cách làm này.
“Thủ tục này không minh bạch và những người bị ảnh hưởng liên tục báo cáo về các hành vi vi phạm quyền của họ”, bà Ulla Jelpke, thành viên đảng đối lập Bundestag, nói.
Bà Jelpke cho rằng các tiêu chí được sử dụng để xác định quốc gia xuất xứ hoàn toàn không rõ ràng, điển hình là nhiều người Sierra Leone đã bị trục xuất đến Nigeria.