TBVĐ- Dù ở Việt Nam hay Đức, thì trộm cắp vẫn là một hành vi phạm pháp, không phải điều đáng để tự hào, thậm chí ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, đến con cái và cộng đồng.
Vào tháng 1-2017 vừa qua, cảnh sát liên bang Đức đã quây bắt nhiều băng đảng trộm cắp quốc tế có tổ chức trong khu vực Leipzig-Dresden, liên quan đến nhiều người Việt. Thiệt hại đạt con số hàng trăm nghìn, các món bị trộm đa số là thực phẩm và mỹ phẩm, do dân tị nạn ăn trộm được và bán lại cho chủ lớn người Việt với giá rẻ. Vụ việc gây xôn xao truyền thông và mang đến nhiều suy ngẫm khi nhìn lại những trường hợp người Việt trộm cắp bị khởi tố tại Đức.
Ví dụ như chuyện bà H. sống ở ngoại ô Hamburg, vì “quên không trả tiền” hộp dao cạo gồm 8 lưỡi dao mà bị xử tội trộm cắp, hồ sơ còn bị bảo lưu đến năm 2018 nên chưa được chấp nhận vào quốc tịch Đức; hay như vụ hai chàng trai trẻ người Việt trộm đồ mỹ phẩm và phụ kiện trị giá cả nghìn Euro mà vẫn hồn nhiên tự bào chữa rằng mình “cầm và bóc tem, nhưng đã ra khỏi cửa đâu”; hoặc chuyện ông Ng. vô ý mà khiến quầy tính tiền tính thiếu hai hộp kem dưỡng da, bị quy tội trộm cắp nhưng không chịu đến gặp cảnh sát trình bày “oan khuất”, tội chồng thêm tội.
Những trường hợp người Việt trộm cắp bị phát hiện và xử phạt không nhiều, cũng chưa có một thống kê cụ thể nào, nhưng trên thực tế, chúng ta vẫn biết con số này là vô kể. Đôi khi đến nhà bạn hay người quen chơi, chúng ta thường nghe các câu rủ rỉ kiểu như: “Chị làm nhân viên trong hãng Lancome, có thể lấy trộm ra ngoài. Em muốn mua bao nhiêu cứ bảo chị, chỉ tính nửa giá thôi.” So ra, cứ một hộp kem Lancome khoảng 90 Euro thì mua qua tay chị “nhân viên” nọ “chỉ” còn 40-45 Euro. Đó là chưa kể đến việc tiêu thụ rượu đắt tiền, hàng hóa điện tử,… có nguồn gốc bất minh hay hàng ăn cắp của nhiều người Việt. Những giao dịch quá hời mà nhiều người Việt chẳng hề suy nghĩ đã chấp thuận ngay, thậm chí mua liền chục món gửi về Việt Nam biếu họ hàng cho nở mày nở mặt.
Thiết nghĩ, dù ở Việt Nam hay Đức, thì trộm cắp vẫn là một hành vi phạm pháp, không phải điều đáng để tự hào, thậm chí ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, đến con cái và cộng đồng. Người thực hiện hành vi trộm cắp phạm tội 100%, nhưng những trường hợp có thể “đặt hàng” trước như vừa kể trên thì người mua lại đồ trộm cắp cũng bị coi là tòng phạm, tiếp tay cho hành vi phạm pháp. Người Việt có câu: “Một lần bất tín, vạn lần bất tin” – trong cuộc sống thường ngày, bạn có thể tin ai?
Cẩm Chi