Theo một ủy ban chính phủ Đức ngày 26.1, họ đã đề xuất một lộ trình đóng cửa tất cả các nhà máy nhiệt điện than lên chính phủ nước này. Theo đề xuất, Đức sẽ chi 40 tỉ euro (45,7 tỉ USD) cho khu vực kinh tế bị ảnh hưởng bởi quyết định này để có thể hoàn toàn loại bỏ điện than với ít tác động nhất.

Đây là một thỏa thuận đạt được sau 20 giờ đàm phán giữa các bên liên quan (chính phủ, doanh nghiệp và các chuyên gia môi trường), sẽ được chính phủ Đức và 16 bang của nước Đức thực hiện.

Thỏa thuận này một lần nữa đẩy mạnh chiến lược chuyển sang năng lượng tái tạo của Đức, vốn chiếm 40% tổng lượng điện thương phẩm của cả nước trong năm 2018 (tính cả thủy điện). Đây là lần đầu tiên sản lượng điện tái tạo vượt điện than tại Đức và cũng tuân theo một nghị quyết hồi năm 2011 của nước này ngăn chặn phát triển năng lượng hạt nhân.

Nội các của Thủ tướng Angela Merkel đã hoan nghênh kế hoạch được ủy ban nói trên thông qua với 28 thành viên có quyền bỏ phiếu từ ngành năng lượng, học viện, các nhóm môi trường, đoàn thể và 3 thành viên tham vấn không bỏ phiếu từ đảng cầm quyền.

“Ít COhơn, nhiều việc làm mới, cung cấp năng lượng an toàn và giá thành hợp lý”, Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Peter Altmaier tuyên bố về lộ trình vừa đạt được.

Đây là lần thứ 2 chính phủ Đức can thiệp vào chính sách phát triển năng lượng của nước mình, trước đó đã quyết định sau thảm họa Fukishima của Nhật Bản vào năm 2011 là sẽ ngừng sản xuất điện hạt nhân vào năm 2022.

Ái Vi (theo Reuters)

Nguồn: motthegioi.vn