Là đối tác thương mại lớn nhất của châu Âu, tổng kim ngạch thương mại hai chiều ước đạt 179 tỷ USD trong năm 2017, nếu hoạt động thương mại giảm sút, Đức sẽ là nước chịu thiệt hại đầu tiên.
Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ đến Trung Quốc với nhiều mối lo bắt nguồn từ Mỹ có khả năng đe dọa đến lợi ích của Đức.
Trung Quốc đã cam kết sẽ mua thêm hàng Mỹ trong một thỏa thuận nhằm ngăn khả năng chiến tranh thương mại với Mỹ, nước Đức lập tức được chú ý đến.
Là đối tác thương mại lớn nhất của châu Âu, tổng kim ngạch thương mại hai chiều ước đạt 179 tỷ USD trong năm ngoái, chắc chắn nếu hoạt động thương mại giảm sút, Đức sẽ là nước chịu thiệt hại trước tiên.
“Trung Quốc sẽ mua thêm nhiều sản phẩm từ Mỹ mà lẽ ra chúng ta [Trung Quốc] mua từ châu Âu hoặc đối tác thương mại khác. Điều này chắc chắn sẽ gây hiệu ứng tràn”, Giám đốc Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế thuộc đại học Renmin, ông Wang Yiwei, nhận định.
Thủ tướng Merkel lâm vào thế khó bởi chính bà ủng hộ quan điểm thương mại tự do và hệ thống đa phương, dù biết rằng Trung Quốc không thể tạo ra sự tiếp cận “có đi có lại” cho Đức vào thị trường Trung Quốc. Trong khi đó, quốc gia đông dân nhất châu Á vẫn không ngừng nhắm đến các mục tiêu chiến lược trên khắp châu Âu.
Phía bên kia, nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đang có những chính sách bảo hộ gây căng thẳng quan hệ 2 bên bờ Đại Tây Dương và ngăn cản việc hai nước có thể thống nhất trên một mặt trận chung để xử lý các vấn đề thương mại với Trung Quốc.
Khi gặp với Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, vào ngày thứ Năm tuần này, Thủ tướng Đức hẳn sẽ nói về việc Trung Quốc nên dỡ bỏ bớt các rào cản đầu tư nước ngoài. Và hẳn bà cũng mong sẽ nhận được sự ủng hộ của Trung Quốc trong các vấn đề liên quan đến Iran.
Trong vòng 10 năm qua, Trung Quốc đã mua hoặc đầu tư vào tài sản châu Âu tổng giá trị ước tính ít nhất 318 tỷ USD, con số này cao hơn đến 45% so với tiền Trung Quốc đầu tư vào Mỹ. Đức hiện đang là nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Dù vậy, phía Đức vẫn có những dè chừng nhất định với đầu tư từ Trung Quốc. Đức đã cùng với một số nước khác thuộc Liên minh châu Âu (EU) đang nghiên cứu những công cụ hiệu quả hơn để rà soát đầu tư từ Trung Quốc. Đại sứ Trung Quốc tại Đức, Shi Mingde, đã buộc tội Đức theo đuổi xu thế bảo hộ.
Giới chức Đức đã loại bỏ đi những tác động của thỏa thuận giữa Mỹ và Trung Quốc lên Đức. Một thỏa thuận song phương sẽ có ý nghĩa ít nhất trên phương diện né tránh đi xu thế bảo hộ mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đang theo đuổi.
Cách mà Trung Quốc giải quyết vấn đề liên quan đến bản quyền trí tuệ đã bộc lộ ra một vấn đề mà cả Đức và Mỹ có thể hình thành lập trường chung. Thế nhưng những chia rẽ trong chính quyền Trump và chia rẽ liên Đại Tây Dương đã khiến khả năng này khó xảy ra, theo nhận định của trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế tại viện Mercator chuyên nghiên cứu các vấn đề Trung Quốc, bà Mikko Huotari.
Trong khi đó, quyết định của Tổng thống Trump về việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran đang tạo ra một mặt trận mà bà Merkel và lãnh đạo Trung Quốc có thể có lập trường chung. Sức mạnh kinh tế của Trung Quốc có thể giúp duy trì thỏa thuận, ngăn việc doanh nghiệp tháo chạy khỏi Iran do lo sợ Mỹ trừng phạt.
Theo Trung Mến / bizlive.vn