Cụ thể, bản cập nhật của Quy định Ngoại thương sẽ cho phép nhà nước xem xét hoặc thậm chí chặn những thương vụ chuyển nhượng 10% số cổ phần công ty, thay vì 25% như hiện tại. Đối tượng của quy định là doanh nghiệp “liên quan đến an ninh” và quan trọng với cơ sở hạ tầng quốc phòng Đức. Công ty công nghệ, năng lượng cùng với những nhà sản xuất thực phẩm lớn cũng có khả năng nằm trong danh sách.
Handelsblatt cho biết chính quyền Thủ tướng Merkel sẽ phê duyệt sửa đổi mới vào ngày 19.11 tới trước khi gửi lên Quốc hội Đức. Đây được xem là biện pháp đối phó Trung Quốc.
Doanh nghiệp Trung Quốc liên tiếp tiến hành nhiều thương vụ đình đám trong thời gian gần đây. Năm 2016, tập đoàn Midea thâu tóm đơn vị sản xuất robot công nghiệp Kuka. Một năm sau, đến lượt tập đoàn xe hơi Cát Lợi trở thành cổ đông lớn nhất của Daimler AG, công ty sở hữu thương hiệu Mercedes-Benz.
Trong năm 2017, các doanh nghiệp Trung Quốc đã hoàn tất 30 thương vụ mua cổ phần công ty Đức, tăng gần gấp đôi so với năm 2016.
Berlin cùng nhiều thành viên EU khác đã phải hành động trước làn sóng thâu tóm đáng lo ngại này. Chính quyền Đức vào tháng 7 quyết định mua 20% của công ty truyền tải điện 50Hertz với lý do an ninh quốc gia, nhằm đánh bại kế hoạch thu mua từ một đối tác đến từ cường quốc châu Á.
Đến tháng 8, Đức lại ngăn tập đoàn Đài Hải (đăng ký hoạt động tại thành phố Yên Đài thuộc tỉnh Sơn Đông) chào mua Leifeld, công ty chuyên sản xuất thiết bị hàng không vũ trụ và hạt nhân.
Trước đó, hãng tin Reuters từng dẫn một số nguồn tin tiết lộ chuyện giới chức Berlin có ý sửa đổi quy định đầu tư nước ngoài để đảm bảo những công nghệ chủ chốt vẫn thuộc sở hữu của người Đức. Ngoài sửa luật, cường quốc châu Âu còn muốn lập ra quỹ 1 tỉ euro, sử dụng cho mục đích giúp đỡ công ty gặp khó khăn về tài chính và hỗ trợ phát triển công nghệ chủ chốt.
Cẩm Bình (theo SCMP)
Nguồn: motthegioi.vn