Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Đức thúc giục trường đại học cắt quan hệ với viện Khổng Tử

Ảnh minh họa: pixabay.com

Đức thúc đẩy xây dựng đội ngũ chuyên gia Trung Quốc của riêng mình, khi nước này tìm cách giảm bớt ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với các trường đại học.

Bộ Giáo dục Đức hồi đầu tuần công bố họ đang đầu tư 24 triệu EUR (28,4 triệu USD) vào một chương trình kéo dài từ năm 2017 đến năm 2024 để tăng cường “năng lực nghiên cứu Trung Quốc độc lập” trong các trường đại học và viện nghiên cứu.

Mục đích của dự án là hỗ trợ hợp tác khoa học và nghiên cứu với Trung Quốc “dựa trên các giá trị châu Âu”, theo một tuyên bố từ Bộ Giáo dục. Bộ trưởng Giáo dục Anja Karliczek cho biết Đức vẫn muốn hợp tác với Trung Quốc và cần thêm nhiều nhân tài am hiểu văn hóa, ngôn ngữ, xã hội và lịch sử Trung Quốc.

Tuy nhiên, bà nói thêm rằng những nỗ lực như vậy phải được tiến hành độc lập bởi Đức và kêu gọi các trường đại học cắt đứt hợp tác với viện Khổng Tử, đối tác giáo dục do nhà nước Trung Quốc tài trợ, cung cấp các khóa học về ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc.

“Tôi không muốn chính phủ Trung Quốc ảnh hưởng đến các trường đại học và xã hội của chúng ta”, Karliczek nói. “Chúng ta đã để cho các viện Khổng Tử quá nhiều không gian phát triển và làm quá ít để xây dựng năng lực nghiên cứu về Trung Quốc độc lập ở Đức”.

Từ năm 2006, 19 viện Khổng Tử đã được thành lập trên toàn nước Đức. Ít nhất hai viện đã đóng cửa kể do lo ngại về “ảnh hưởng chính trị và rò rỉ thông tin”.

Có hơn 500 viện Khổng Tử trên khắp thế giới. Nhưng nhiều cơ sở ở các quốc gia như Mỹ, Canada, Australia và Thụy Điển đã đóng cửa do nghi ngờ về vai trò của họ trong việc thúc đẩy lợi ích của Bắc Kinh.

Căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây đang gia tăng. Liên minh châu Âu ngày càng chỉ trích mạnh mẽ các chính sách của Trung Quốc ở Hong Kong và Tân Cương. Họ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt với quan chức Trung Quốc liên quan đến những vấn đề này.

Trung Quốc đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt trên diện rộng đối với các chính trị gia, nhà ngoại giao và nhà nghiên cứu châu Âu, khiến các thành viên của Nghị viện châu Âu đóng băng việc phê chuẩn thỏa thuận đầu tư giữa hai bên, thỏa thuận mà chính phủ Đức đóng vai trò dẫn dắt chủ đạo.

Bất chấp những căng thẳng chính trị, quan hệ kinh tế giữa hai nước vẫn bền chặt. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Đức năm thứ năm liên tiếp vào năm 2020, với khối lượng thương mại là 212,1 tỷ EUR, theo Bộ Thương mại Trung Quốc.

Phương Vũ (Theo SCMP)