Ủy ban châu Âu kêu gọi các nước EU giảm 15% nhu cầu khí đốt cho đến tháng 3 năm sau, để vượt qua đòn “tống tiền” của Nga.
“Nga đang tống tiền chúng ta. Nga đang sử dụng năng lượng như một vũ khí, vì vậy trong bất cứ trường hợp nào, dù phải cắt phần lớn hay toàn bộ khí đốt Nga, châu Âu cần phải sẵn sàng”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói với các phóng viên hôm nay.
Ủy ban châu Âu (EC) kêu gọi các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) tự nguyện giảm 15% nhu cầu khí đốt từ tháng 8 đến tháng 3/2023 so với mức tiêu thụ trung bình cùng kỳ giai đoạn 2016 – 2021.
Cơ quan này cũng yêu cầu các nước trao cho EU quyền hạn đặc biệt để bắt buộc các thành viên giảm nhu cầu khí đốt trong trường hợp Nga cắt mạch khí đốt của châu Âu.
Quy định này cần được đa số thành viên EU chấp thuận. Các nhà ngoại giao EU dự kiến thảo luận vào ngày 22/7, với mục tiêu thông qua đề xuất tại cuộc họp khẩn của các bộ trưởng năng lượng vào ngày 26/7.
Nga cung cấp khoảng 40% nhu cầu khí đốt cho châu Âu, nhưng từ sau khi Moskva mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine cuối tháng 2, nguồn cung này ngày càng giảm. Nga đã dừng vận chuyển khí đốt đến ba nước vùng Baltic, Phần Lan, Ba Lan và Bulgaria, đồng thời giảm nguồn cung tới Đức và Italy.
EC cho biết dòng chảy khí đốt từ Nga sang EU trong tháng 6 đã thấp hơn 30% so với trung bình giai đoạn 2016-2021. Châu Âu nhập khẩu 155 tỷ m3 khí đốt Nga năm 2021 và tiêu thụ khoảng 400 tỷ m3 khí đốt trong một năm bình thường.
Lãnh đạo các nước EU từ tháng trước đã nhất trí tăng cường chuẩn bị cho kịch bản không có khí đốt Nga, tăng cường tìm nguồn năng lượng thay thế từ các nước như Mỹ, Na Uy, Azerbaijan và Algeria. EU chỉ trích Moskva vũ khí hóa năng lượng, trong khi Nga nhiều lần bác cáo buộc và khẳng định mình là nhà cung cấp đáng tin cậy.
Ngọc Ánh (Theo AFP)
Nguồn: vnexpress.net