Liên minh châu Âu (EU) sẽ dẫn đầu nhóm tiếp xúc quốc tế, với quyết tâm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại Venezuela trong vòng 3 tháng.
Tuy nhiên, nhóm tiếp xúc này chủ yếu bao gồm những nước ủng hộ nhân vật đối lập Juan Guaido, người mới đây tự xưng là Tổng thống lâm thời của Venezuela, và điều này đã khiến nhiều người đặt câu hỏi về sự trung lập của nhóm.
Phát biểu với báo chí sau Hội nghị ngoại trưởng Liên minh châu Âu tại thủ đô Bucarest, Romania, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini thông báo, EU sẽ dẫn đầu một nhóm tiếp xúc quốc tế của châu Âu và các nước Mỹ Latin nhằm giúp giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay tại Venezuela trong vòng 3 tháng. Gồm các nước Đức, Tây Ban Nha, Pháp, Italy, Anh, Ecuador và Bolivia, nhóm này sẽ nhóm họp lần đầu tiên vào tuần tới.
Theo bà Federica Mogherini, nhóm tiếp xúc quốc tế về Venezuela sẽ tự động chấm dứt công việc nếu không có bước tiến nào đạt được trong vòng 90 ngày và sẵn sàng cân nhắc các lệnh trừng phạt kinh tế mới chống lại chính quyền của Tổng thống Nicolas Maduro.
Bà Mogheniri nói: “Mục đích của nhóm tiếp xúc quốc tế là rõ ràng, cho phép người dân Venezuela được tự do bày tỏ ý kiến của mình, đồng hành với đất nước theo một cách hòa bình và dân chủ nhằm hướng tới các cuộc bầu cử hòa bình, dân chủ và tự do”.
Thông báo đưa ra trong bối cảnh, Bộ Nội vụ Venezuela trước đó cùng ngày thông báo, lực lượng an ninh nước này đã bắt giữ một nhóm tội phạm được phe đối lập thuê nhằm tiến hành các vụ sát hại “có chọn lọc” như một phần trong cái gọi là “Chiến dịch Hiến pháp” hòng lật đổ chính quyền hợp hiến của Tổng thống Nicolas Maduro. Nhóm đối tượng này nhập cảnh vào Venezuela từ nước láng giềng Colombia, trong đó có một số binh sĩ Venezuela đào tẩu.
Cũng trong ngày hôm qua, hàng trăm công nhân của công ty dầu khí quốc gia Venezuela đã tổ chức tuần hành tại thủ đô Caracas để bày tỏ sự ủng hộ đối với Tổng thống Nicolas Maduro. Chính phủ nước này trước đó đã ra lệnh cho hàng chục nghìn công dân Venezuela đang làm việc cho công ty Citgo hoạt động tại Mỹ trở về Caracas trước cuối tháng 2 này. Đây là công ty sở hữu một chuỗi bán lẻ xăng dầu ở Mỹ và là tài sản ở nước ngoài quan trọng nhất của Venezuela. Tổng thống Maduro nhiều lần cáo buộc Mỹ tìm cách chiếm đoạt Citgo và tuyên bố sẽ có hành động pháp lý để đáp trả Mỹ.
Bộ trưởng Dầu mỏ Manuel Quevedo nhấn mạnh: “Chúng tôi bác bỏ mọi hành vi chiếm đoạt Citgo một cách tùy tiện. Tổng thống Donald Trump từng tuyên bố, chúng tôi sẽ giúp bạn nhưng bạn phải cho chúng tôi 50% tài sản của các công ty dầu mỏ của Venezuela. Chúng ta không thể cho phép điều này. Chúng ta cần sát cánh bên Tổng thống Maduro”.
Tình hình chính trị tại Venezuela trở nên căng thẳng sau khi Chủ tịch Quốc hội do phe đối lập kiểm soát, đồng thời là thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaido tự phong là Tổng thống lâm thời của quốc gia Nam Mỹ này cho tới khi lập ra một chính phủ chuyển tiếp và tổ chức bầu cử. Cuộc khủng hoảng cũng gây chia rẽ cộng đồng quốc tế giữa một bên là những nước ủng hộ Tổng thống hợp hiến Nicolas Maduro với một bên là những nước ủng hộ nhân vật đối lập Juan Guaido.
Riêng Liên minh châu Âu, cùng với việc thành lập nhóm tiếp xúc về Venezuela, khối này mới đây cũng đã bỏ phiếu công nhận vai trò lãnh đạo mới của ông Juan Guaido và kêu gọi các nước thành viên Liên minh châu Âu ủng hộ bước đi này. Về phần mình, Mỹ, nước đầu tiên ra tuyên bố ủng hộ ông Guaido hôm 31/1 tiếp tục gia tăng sức ép đối với những nước ủng hộ Tổng thống Maduro, mà mới đây nhất là Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong bối cảnh những lo ngại ngày càng tăng trước nguy cơ cuộc khủng hoảng tại Venezuela có thể leo thang thành một cuộc khủng hoảng quy mô quốc tế, chính phủ Nga hôm 31/1 bày tỏ tin tưởng vẫn còn cơ hội cho nỗ lực ngoại giao tại đây và quyết định không sơ tán công dân khỏi Venezuela vào thời điểm hiện nay.
Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova, mọi sự can thiệp từ bên ngoài sẽ cản trở các nỗ lực đối thoại trong nội bộ Venezuela./.