TBVĐ- Việc chăm sóc mộ phần của người Đức có ảnh hưởng đến công việc buôn bán của người Việt, đặc biệt trong với ngày Totensonntag
Đối với người Việt Nam bán hàng hoa ở Đức thì khi mùa vọng đến và đặc biệt là ngày totensonntag sẽ là mùa làm ăn chính của bà con. Nhà nhà bán hàng hoa sẽ mua cành thông và các vật phẩm như rêu và nhiều đồ trang trí về kết thành vòng hoặc đế để bán cho người Đức đem đến nghĩa trang viếng mộ người thân.
Việc bán mặt hàng này cho người Đức bắt đầu được chuẩn bị từ tháng Mười hàng năm để kịp bán cho mùa chăm sóc đặc biệt này và ngày totensonntag, rồi đến hết lễ giáng sinh và sang năm mới. Tuy nhiên không phải ai cũng biết hết ý nghĩa của mùa vọng và ngày totensonntag cũng như việc chăm sóc mộ của người Đức ra sao.
Nguồn gốc của ngày Totensonntag
Theo sắc lệnh của nhà vua Friedrich Wilhelm nước Phổ và chính phủ ngày 25-11-1816 lấy ngày Totensonntag là ngày tưởng niệm những người đã khuất của đạo tin lành ở Đức và Thụy sĩ. Theo đó ngày Chủ nhật nằm trong khoảng cuối của tháng Mười một, tức được tính chủ nhật rơi vào ngày 20 đến 26 của tháng này.
Đây là ngày người dân theo đạo tin lành ra nghĩa trang để chăm sóc phần mộ của người thân giống như ngày tảo mộ của người Việt Nam dù tên gọi và ý nghĩa có khác nhau đôi chút. Ngày nay gần như nó là ngày chung cho toàn dân và ngày này chính thức được nhà nước bảo hộ. Một số nơi như Hamburg thì đây là ngày tưởng niệm người đã mất, không được tổ chức các cuộc biểu diễn giải trí ồn ào.
Ngoài việc chăm sóc người quá cố trong mùa vọng đặc biệt hơn thì người Đức cũng rất quan tâm đến phần mộ người đã khuất trong ngày thường. Họ không làm giỗ như người Việt nhưng hàng tuần họ mang hoa tươi ra mộ rồi trồng hoa. Họ trồng những loại cây theo ý nghĩa văn hoá, và còn có những loài hoa ngày còn sống người thân yêu thích.
Luật thuê đất nghĩa trang
Nhiều người cho rằng, người thân của họ chỉ ngủ yên hay là tạm đi xa thôi còn linh hồn vẫn còn đâu đó. Văn hoá tín ngưỡng của người Đức và người Việt tuy khác nhau nhưng cũng như người Việt, phần lớn họ vẫn tin có linh hồn và linh hồn người thân vẫn hiện hữu bên mình. Vì vậy họ chăm sóc ngôi nhà của người đã khuất rất chu đáo.
Mùa hè cho đến mùa đông ngôi nhà ấy lúc nào cũng khang trang đẹp đẽ. Đương nhiên ở đâu cũng vậy sẽ có nhiều người con cái vì công việc hoặc đời sống thay đổi phải đi xa thì họ sẽ trả lệ phí chăm sóc phần mộ cho Ban quản lý nghĩa trang.
Tuy nhiên vì nhà nước quy định luật thuê đất giữ mộ phần không phải là vĩnh cửu vì đất đai không đủ để thoả mãn cho việc chôn cất lâu dài, nên luật đề ra chỉ được phép mua quyền sử dụng đất từ 20 đến 25 năm tuỳ từng nghĩa trang. Khi hết hạn có thể mua thêm quyền sử dụng mới nhưng với số tiền không nhỏ, đắt rẻ còn tuỳ từng khu vực.
Hầu hết đối với thu nhập của người dân bình thường là quá lớn cho việc mua thêm quyền sử dụng mới. Chưa kể đến khi mình không còn thì ngôi mộ đường nào cũng sẽ bỏ đi vì lớp cháu chắt hầu hết đã không còn quan tâm. Phần quan trọng hơn có thể do quan niệm của họ là với 20 năm mọi thứ đã trở về cát bụi rồi, linh hồn cũng đã siêu thoát theo thời gian. Rồi bản thân người đang sống cũng già đi, họ không mua thêm quyền sử dụng đất cho ngôi mộ cũ nữa, nhiều người cũng không muốn phiền con cái nên họ chuẩn bị hết mọi chuyện cho ngày viên tịch, trong đó phần tiền thuê đất cho ngôi mộ của người thân họ giành số tiền đó tự trả tiền thuê đất nghĩa trang cho mình. Còn theo luật khi không trả tiền thuê thêm, hết hạn sử dụng, nghĩa trang sẽ xử lý bằng cách phá bỏ ngôi mộ đó để lấy đất cho những người mới mất. Ngoài những quy định chung đó thì gia đình nào có đủ tiền họ cũng có thể mua một phần đất cho gia đình mình nhưng giá đương nhiên là rất cao.
Nghĩa trang ở Đức được sự quản lý của thành phố và được gọi là nơi yên nghỉ (Friedhof) hoàn toàn đúng nghĩa. Ở đây thường có một nhà nguyện dùng làm nơi tang lễ tiễn đưa người thân về nơi an nghỉ cuối cùng. Tuỳ theo từng tôn giáo để tổ chức nghi lễ sao cho trang nghiêm và phù hợp với tín ngưỡng của người quá cố. Ngoài nghĩa trang của thành phố còn có những nghĩa trang riêng của từng tôn giáo như Thiên chúa giáo hoặc đạo Tin lành, ở thành phố Dresden còn có một nghĩa trang đạo Phật mang tên „Cõi đi về“.
Ngoài ra cũng có những ngôi mộ nằm trong khu bảo tồn thì tự nhiên sẽ được để lại. Nhưng tất cả các nghĩa trang đều theo luật quản lý chung của nhà nước Đức. Ngoài gia đình với việc chăm sóc phần mộ riêng, ban quản lý nghĩa trang còn có nhiệm vụ chăm sóc chung cho toàn nghĩa trang sao cho đẹp như một công viên giành cho con người yên nghỉ sau một cuộc đời nắng mưa trên trần thế.
Thiên Nga