Dự luật đề xuất xóa bỏ cách tính tuổi theo lịch âm tại các cơ quan chính phủ đang thu hút sự quan tâm của công chúng Hàn Quốc.
Nghị sĩ Hwang Ju-hong của Đảng vì Dân chủ và Hòa Bình, một đảng đối lập thiểu số trong chính phủ, cùng 9 nghị sĩ đến từ nhiều đảng khác, hồi đầu tháng 1 đệ trình lên quốc hội dự luật nhằm bắt buộc các cơ quan nhà nước áp dụng cách tính tuổi theo “hệ thống tiêu chuẩn quốc tế” đồng thời khuyến nghị các công ty ở khu vực tư nhân thực hiện tương tự, theo Yonhap.
Khác với các nước phương Tây, một người Hàn Quốc sinh vào ngày 1/1/1980, nếu tính theo tiêu chuẩn quốc tế, năm nay 39 tuổi, nhưng nếu tính theo cách truyền thống, người này vừa tròn 40 tuổi. Cách tính tuổi âm bắt nguồn từ quan niệm ở châu Á cộng thêm khoảng thời gian nằm trong bụng mẹ vào tuổi của mỗi người.
Ngoài ra, các nước phương Tây tính tuổi dựa trên ngày sinh nhật, tức là một người chỉ bước sang tuổi mới vào ngày sinh nhật. Trong khi đó, ở Hàn Quốc cũng giống như nhiều nước châu Á, tất cả mọi người đều già thêm một tuổi vào ngày đầu tiên của năm mới cho dù có người sinh vào những tháng cuối năm. Một người phụ nữ sinh ngày 29/3/1995, theo cách tính quốc tế thì đến ngày 29/1/2019 cô 23 tuổi 10 tháng. Nhưng dựa trên giấy tờ hành chính ở Hàn Quốc, cô gái này đã 24 tuổi, còn dựa theo cách tính tuổi âm thì cô 25 tuổi.
Các nghị sĩ đề xuất dự thảo luật mới nhận thấy những phức tạp nảy sinh do dùng lẫn lộn nhiều phương thức tính tuổi. Mọi hồ sơ và giấy tờ pháp lý đều ghi tuổi tính theo lịch dương. Ví dụ, tất cả đàn ông sinh năm 1980 phải đi nghĩa vụ quân sự năm nay đều đã 39 tuổi, bất kể sinh vào ngày nào. Cách tính như vậy giúp cơ quan tuyển quân đơn giản hóa thủ tục hành chính.
“Dự thảo luật cơ bản nhằm mục đích giảm thiểu những chi phí không cần thiết, vô hình lẫn hữu hình, phát sinh từ nhiều cách tính tuổi”, nghị sĩ Hwang nói. “Đây cũng là cơ hội cho chúng ta thảo luận và giải quyết nhiều vấn đề, bao gồm tư duy thứ bậc trong xã hội dựa vào tuổi tác”.
Nhiều người đồng tình với đề xuất trên. “Hàn Quốc là quốc gia duy nhất trên thế giới mà mọi công dân đều thêm một tuổi vào ngày đầu tiên của năm mới”, một người kiến nghị. “Nhật Bản, Trung Quốc, những nước từng áp dụng cách tính truyền thống, giờ đây đều chuyển sang chuẩn quốc tế, thậm chí Triều Tiên cũng đã làm vậy”.
Một khảo sát do đài truyền hình SBS thực hiện năm ngoái cho thấy 92,4% số người được hỏi đồng tình với việc chuẩn hóa cách tính tuổi để thông tin cá nhân trên giấy tờ thống nhất và thuận tiện cho công việc. Trong đó, 62% ủng hộ cách tính tuổi phương Tây còn 38,2% không muốn thay đổi.
Những người già lại tỏ ra nghi ngờ về đề xuất mới. Họ cho rằng cách tính tuổi âm là một phần văn hóa mà người Hàn Quốc nên lưu giữ và bảo tồn. “Tôi không thấy cuộc sống có gì rắc rối với cách tính tuổi cũ”, ông Kim Jin-su, 62 tuổi, nhận xét. “Thật chẳng hiểu làm sao mà người ta cứ nhặng hết cả lên”.
Còn theo nghị sĩ Hwang, mọi thay đổi đều cần thời gian, dẫu vậy, dự thảo luật mới cho thấy nguyện vọng của ngày càng đông người dân Hàn Quốc. “Chúng ta vẫn sử dụng hệ thống tính tuổi cũ mà không đặt câu hỏi (về hiệu quả của nó) bởi vì thói quen. Vấn đề ở đây là tập tục và văn hóa”, ông Hwang nói./.