Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Sợ Tết

Hôm qua tôi đi chợ hoa đào ở gần Hồ Tây, một phóng viên của kênh truyền hình quốc gia bỗng hỏi tôi: “Chị có sợ Tết không?”. “Sao phải sợ Tết” – tôi trả lời.

Nhưng nghĩ lại, có lẽ không phải ngẫu nhiên mà người ta đi hỏi nhau câu đó. Tuần trước, khi được hỏi Tết thế nào, cô bạn thân của tôi chỉ bảo năm nay lại ăn Tết nhà chồng với khuôn mặt không hề mong đợi. Bạn nói rằng Tết đã không còn là một kì nghỉ, dịp vui chơi. Từ khi bạn lấy chồng Tết chỉ gói gọn trong những hoạt động kiểu nấu ăn và dọn dẹp cho một đại gia đình.

Thế hệ chúng tôi lớn lên với kí ức Tết là có được bộ quần áo mới, có được bữa ăn ngon hơn bình thường. Còn nhớ, khi đất nước mới mở cửa, nỗi lo của thế hệ bố mẹ tôi là sắm đủ đồ ăn để cả nhà có thể “no 3 ngày Tết”  như lời các cụ.

Kinh tế đã khá lên, cùng với sự đầy đủ về vật chất là tâm lý sợ tết ở nhiều thế hệ. Người giàu cũng khổ. Nỗi khổ của “phú quý sinh lễ nghĩa”. Những danh sách báo ơn đền nghĩa dài vô tận, có người đến 30 Tết vẫn còn chưa gặp gỡ, tặng quà đủ những người trong danh sách lập trong đầu. Những người thu nhập trung bình thì đau đầu chạy đua với thời gian để kiếm tìm những món quà giá cả phải chăng, hợp người, hợp cảnh, hợp Tết trong điều kiện tài chính hạn hẹp.

Những nỗi lo vật chất như vậy không chỉ xảy ra ở Việt Nam. Một nghiên cứu của một giáo sư tại Đại học Cork (UCC) cho thấy, những người được hỏi cũng mệt mỏi hệt người Việt. Công bố trên Tạp chí Hạnh phúc nhấn mạnh rằng: Hoạt động gia đình và tinh thần vào Giáng sinh khiến mọi người hài lòng hơn, trong khi các khía cạnh vật chất liên quan đến lễ Giáng sinh (chi tiền và tặng quà) làm suy yếu phúc lợi (một cách nói sách vở của từ “viêm màng túi”). Vậy mà gần một nửa các đối tượng (44%) cho rằng, mặc dù hài lòng, họ đã có một Giáng sinh căng thẳng. Nghiên cứu này cũng cho thấy những người già được khảo sát cho thấy họ hạnh phúc vào dịp Giáng sinh lớn hơn những người trẻ tuổi, nam giới thì chịu ít căng thẳng hơn nữ giới trong dịp lễ tết cuối năm.

Còn một số nghiên cứu năm 2018 ở Hàn Quốc cho thấy số phụ nữ Hàn Quốc bị viêm bàng quang tăng đáng kể trong kỳ nghỉ Tết do căng thẳng và hệ thống miễn dịch yếu. Theo dữ liệu từ Dịch vụ Đánh giá & Kiểm định Bảo hiểm Y tế của nước này, trong số 5.268 người được chẩn đoán bị viêm bàng quang vào dịp Tết âm lịch thì có 4.787 phụ nữ. Theo khảo sát của một trang tìm kiếm việc làm tại địa phương, hơn 60% các bà nội trợ cảm thấy căng thẳng gấp 3 lần khi đến thăm gia đình chồng so với khi đến thăm cha mẹ của họ. Gần một phần ba cho biết rõ hơn là căng thẳng này bắt nguồn từ việc nấu ăn và dọn dẹp.

Phụ nữ châu Á nhìn chung sẽ tất bật hơn với công việc gia đình. Nhưng đối với một số người – đặc biệt là phụ nữ đã kết hôn, Tết được coi là thời gian làm việc nhiều hơn dù họ được nghỉ việc cơ quan. Năm ngoái ở Việt Nam bức ảnh cô con dâu với đống bát đĩa đã từng gây bão cộng đồng mạng.

Không nặng nề về tài chính, những người trẻ thì dễ rơi vào chứng rối loạn lo âu xã hội – “Social anxiety disorder” khi phải đối mặt với những phán xét xã hội mỗi dịp Tết về, phải tương tác, gặp gỡ với họ hàng và những người thân quen nhiều hơn. Đây là một rối loạn lo âu phổ biến được đặc trưng bởi nỗi sợ hãi dai dẳng trong các tình huống xã hội nơi các cá nhân phải đối mặt với sự giám sát hoặc phán xét của người khác. Những người mắc chứng rối loạn lo âu xã hội lo sợ rằng họ sẽ hành động theo cách mà họ không muốn hoặc sẽ bị người khác đánh giá tiêu cực.

Cuối năm 2017, trong một cuộc khảo sát ở Trung Quốc dành cho những người ở độ tuổi 20, 30 đã đưa ra hiện tượng nỗi ám ảnh trở về nhà – “returning phobia”. Đây là nỗi ám ảnh khi người trẻ trở về đoàn tụ gia đình phải đối mặt với những câu hỏi của cha mẹ và họ hàng như khi nào có người yêu, bao giờ lấy chồng/vợ, năm vừa rồi kiếm được bao nhiêu tiền. Thanh niên Trung Quốc sợ hỏi chuyện riêng bởi những người cả năm không tương tác.

Nhưng cứ gần Tết, người Trung Quốc, phần đông là người trẻ lại trở về quê. Cuộc di cư hàng năm lớn nhất thế giới – Xuân vận với khoảng hơn 3 tỷ chuyến đi và hàng tỷ nỗi lo, sự phiền phức đang bắt đầu ở nước láng giềng.

Ở Việt Nam, nỗi lo Tết có lẽ bắt đầu sớm hơn và các cuộc trường chinh mang tên “về quê ăn Tết” đang bắt đầu. Ngập mạng xã hội là những ý kiến “sợ Tết” rồi những đề nghị bỏ Tết, gộp Tết… Nhiều bạn trẻ đã lập kế hoạch đi chơi trong suốt những ngày Tết như bỏ trốn khỏi những nỗi lo “quá khổ”.

Nhưng tôi vẫn nhớ bản thân mình và những bạn tha hương khác trong 5 cái Tết xa Việt Nam. Năm nào chúng tôi cũng nghe bài “Xuân này con không về”. Có người bật khóc, có người day dứt nhớ cảm giác được chạm vào người thân, chúc một câu bằng tiếng Việt. Chính nỗi nhớ đó có thể là động lực giúp chúng tôi – những người xa xứ vượt qua được cực nhọc nơi xứ người, cái lạnh của tuyết, sự xa lạ về ngôn ngữ, phong tục để có một ngày có một cái Tết sum họp.

Khi sinh ra chúng ta đã có những nỗi sợ nhất định và càng trưởng thành nỗi sợ càng được “bổ sung” nhưng điều đó không thể làm cho những kết nối con người và khoảng khắc ý nghĩa mất đi. Chúng ta nên chỉ bắt đầu với câu hỏi làm gì cho mình và người thân  hạnh phúc và ý nghĩa trong 9 ngày nghỉ. Để ngày Tết không còn bị chi phối bởi chủ nghĩa vật chất và hủ tục nữa

Theo Phạm Hải Chung / vnexpress.net