Theo báo cáo hồi tháng 3-2019 của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và Liên minh châu Âu (EU), thị trường hàng nhái, hàng giả có tổng doanh thu lên đến 509 tỷ USD/năm. Trong đó, hàng hóa của Pháp là loại sản phẩm bị làm giả, làm nhái nhiều thứ 2 trên thế giới, chỉ sau hàng Mỹ (dược phẩm, quần áo, đồ chơi, thuốc lá…).
Cứ 10 món hàng giả, hàng nhái bị thu giữ trên thế giới thì có 2 sản phẩm là nhái hàng Pháp. Theo Cơ quan châu Âu về sở hữu trí tuệ, hàng giả, hàng nhái gây thiệt hại khoảng 7,7 tỷ USD về doanh thu cho nước Pháp, làm người Pháp mất 22.000 việc làm…
Trong khi đó, theo một khảo sát Viện Ifop thực hiện cho UniFab, 37% số người được hỏi cho biết họ đã mua phải hàng giả mà không hề biết, chủ yếu là thanh niên vì đa phần họ có xu hướng mua hàng trên internet. Theo các chuyên gia, với sự bùng nổ của phương thức thương mại điện tử, internet đã trở thành một kênh mới chuyên phân phối hàng nhái, hàng giả. Tờ Le Figaro cho biết, 50% số vụ mua bán trái phép diễn ra trên internet. Tại Pháp, 30% hàng giả, hàng nhái xuất phát từ thương mại điện tử. Hàng nhái chủ yếu được xuất từ châu Á, nhất là Trung Quốc, rồi được vận chuyển bằng tàu biển đến cửa ngõ châu Âu. Khi đó, hàng được đóng thành từng bưu kiện tại các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Ukraine… rồi được gửi qua đường bưu điện hoặc dịch vụ chuyển phát nhanh tới khách hàng ở các nước khác nhau.
Hệ quả trước tiên của hàng giả, hàng nhái là về kinh tế, rồi sau đó khiến hình ảnh của các doanh nghiệp trở nên xấu đi. Còn đối với người tiêu dùng, việc hàng giả, hàng nhái không được kiểm định chất lượng sẽ mang đến nguy cơ về vệ sinh y tế, gây dị ứng trên da như phấn mắt, kem chống nắng. Có những loại hàng giả, hàng nhái có thể cực kỳ nguy hiểm, gây hậu quả nặng nề, như nguy cơ gây tai nạn với phụ tùng xe hơi, thiết bị trên máy bay…
Theo Minh Châu / sggp.org.vn