Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Hãng tin Đức: Việt Nam đang có lợi trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung

Đổ họa: Trung Hiếu

Nhà báo Bennett Murray của Hãng thông tấn Đức DPA phân tích về ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đối với Việt Nam và tại sao Việt Nam đang ở vào một vị trí tốt.

Nhà báo Bennett Murray nhận định: Việt Nam, đất nước từng một thời lệ thuộc vào ngành may mặc và các sản phẩm xuất khẩu rẻ tiền, đang đuổi theo đối thủ Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ.

Theo ông, giới làm ăn châu Á đang tháo chạy khỏi cuộc thương chiến thương mại Mỹ – Trung đang có dấu hiệu ngày càng nâng cấp và họ tìm đến Việt Nam để né hàng rào thuế quan của Mỹ. Samsung, LG Innotek, LG Display, Goertek… là vài tên tuổi tiêu biểu đã có mặt ở Việt Nam.

Ông Jiang Bin, chủ tịch công ty Trung Quốc Goertek chuyên sản xuất tai nghe cho Hãng Apple, lý giải quyết định chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam: “Vì các yếu tố kinh tế vĩ mô, gồm biến động thị trường bên ngoài và thương chiến Mỹ – Trung nên hoạt động và quản lý của công ty chúng tôi khó khăn hơn”.

Đối với doanh nghiệp nước ngoài, lợi thế của việc sản xuất ở Việt Nam (thay vì Trung Quốc) đã tăng thậm chí trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền.

Ví dụ, lương tháng tối thiểu ở thành phố Thâm Quyến, nơi có nhà máy Foxconn của Đài Loan chuyên lắp ráp iPhone, là 315 USD (khoảng 7,35 triệu đồng), trong khi lương tối thiểu cao nhất ở Việt Nam chỉ khoảng 3,98 triệu đồng. Ở các thành phố nhỏ, lương còn thấp hơn nữa, như ở thị xã Phổ Yên thuộc tỉnh Thái Nguyên – nơi đặt nhà máy Samsung, mức lương tối thiểu là 3,09 triệu.

Ngoài ra, Việt Nam còn là nước tích cực trong việc ký kết thỏa thuận tự do thương mại. Trước đây là thành viên của hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP (hiện tại là CPTPP sắp đi vào hiệu lực), rồi thỏa thuận với Liên minh châu Âu (EU)… Việt Nam và Trung Quốc cũng có một hiệp định thương mại riêng.

Dù vẫn có lo ngại rằng Việt Nam sẽ là đích nhắm tiếp theo trong cân bằng thương mại của Washington vì ông Trump từng than phiền về khoản thâm hụt thương mại với Việt Nam, nhưng quan hệ hai nước đang tiến triển khá tốt.

Việt Nam và Mỹ đang có nhiều hợp đồng thương mại, quân sự trị giá nhiều tỉ USD, ví dụ hồi tháng 7 vừa qua, hãng hàng không Vietjet ký kết hợp đồng mua 100 chiếc Boeing 737 trị giá 12,7 tỉ USD.

Nhìn chung, sản xuất ở Trung Quốc vẫn có lợi thế hơn Việt Nam ở vài điểm: Trung Quốc có lao động tay nghề cao nhiều hơn nhờ dân số đông và tiếp cận với công việc gia công sớm hơn; doanh nghiệp nước ngoài tiếp cận trực tiếp ngay thị trường tiêu dùng khổng lồ của Trung Quốc…

Nhưng với khả năng Trung Quốc tiếp tục đối đầu phương Tây trong tương lai gần, quan hệ tốt của Việt Nam với Mỹ và châu Âu, cùng với nỗ lực cải cách của chính phủ VN để đáp ứng yêu cầu các hiệp định thương mại, khiến Việt Nam sẽ trở thành một lựa chọn hợp lý và thân thiện hơn Trung Quốc, nhất là trong kỷ nguyên Donald Trump.

Theo Phúc Long / tuoitre.vn