Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Hậu Brexit, nước Anh gặp khó

Ảnh minh họa: pixabay.com

Các nhóm công nghiệp thủy sản Scotland mới đây đã yêu cầu Chính phủ Anh hỗ trợ khẩn cấp sau khi các chuyến hàng thủy sản vận chuyển tới Liên minh châu Âu (EU) bị gián đoạn nghiêm trọng trong tuần qua. Bên cạnh đó, Trung tâm Tài chính London sau Brexit (Anh rời EU) cũng gặp xáo trộn không nhỏ.

Rắc rối xuất khẩu hàng hóa 

Hiệp hội Thực phẩm và Đồ uống Scotland, Hiệp hội Hải sản Scotland và Tổ chức Sản xuất cá hồi Scotland vừa kiến nghị Chính phủ Anh đàm phán với Brussels để giảm thiểu các quy định xuất khẩu sang EU. Trước đó, các hiệp hội gặp hàng loạt rắc rối liên quan đến các quy định mới, làm gián đoạn khâu vận chuyển hàng hóa kể từ khi Anh rời khỏi thị trường chung và liên minh thuế quan EU vào ngày 31-12-2020. Các hiệp hội cho biết trong một tuyên bố chung: “Vướng mắc về thủ tục giấy tờ, các tài liệu bổ sung cần thiết và các vấn đề về công nghệ thông tin đều góp phần gây ra sự chậm trễ và gián đoạn”. Các công ty từng có mối quan hệ thương mại không thủ tục với EU, nay phải vật lộn để điền vào một loạt thủ tục giấy tờ mới, kéo theo sự chậm trễ đối với các chuyến hàng tươi sống khiến khách hàng EU từ chối vì thủy sản không còn tươi. 

Theo ông James Withers, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thực phẩm và Đồ uống Scotland, sự gián đoạn do Brexit kết hợp với ảnh hưởng của dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh trở lại và việc đóng cửa biên giới Pháp vào tháng trước khiến một số doanh nghiệp xuất khẩu khó có thể tồn tại trong tháng 1-2021. Ông Jimmy Buchan, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Thủy sản Scotland, cho biết các doanh nghiệp xuất khẩu đã hứng chịu một “cơn bão toàn diện” trong tuần đầu tiên khi Anh ra khỏi EU. 

Hiệp định Thương mại và Hợp tác giữa Anh và EU đạt được vào đúng đêm Giáng sinh giúp hàng hóa của Anh tránh được thuế quan và hạn ngạch khi vào thị trường EU, tuy nhiên phải tuân thủ các quy định chi tiết về nguồn gốc xuất xứ để tránh tạo kẽ hở cho hàng hóa tạm nhập tái xuất, hoặc hàng được sản xuất với phần lớn nguyên liệu từ bên ngoài Anh và EU. 

Trung tâm tài chính xáo trộn

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh thông báo với Ủy ban Quốc hội rằng thỏa thuận Brexit sẽ khiến nền kinh tế Anh thiệt hại khoảng 2% GDP trong vài năm tới. Thống đốc Andrew Bailey cho biết, một phần chi phí đó sẽ do thủ tục giấy tờ bổ sung cho các tờ khai hải quan và các chi phí thương mại khác – cái mà ông gọi là “sự khó khăn trong cơ chế”. Tuần qua là tuần đầu tiên giao dịch tài chính theo thỏa thuận mới hậu Brexit, có nghĩa cổ phiếu của các công ty thuộc EU không còn được giao dịch trên các nền tảng có trụ sở tại London. Các giao dịch đã chuyển sang các nền tảng giao dịch ở thành phố Amsterdam và Paris. Theo Financial Times, ông Panmure Gordon, nhà môi giới chứng khoán hoạt động tại Vương quốc Anh, đã phải đối mặt với những khó khăn trong việc giao dịch với khách hàng EU vì sàn giao dịch chứng khoán mà ông sở hữu có hầu hết các giao dịch cổ phiếu liên quan đến đồng EUR. Giống như các giám đốc điều hành trong ngành dịch vụ tài chính, ông Gordon cần nắm rõ Thỏa thuận Thương mại Anh và EU dài 1.250 trang được công bố vội vàng vào dịp Giáng sinh 2020. 

London đang chịu những thay đổi sâu rộng nhất kể từ khi thành phố này thành một trong những thủ đô tài chính của thế giới (30 năm trước). Từ ngày 1-1-2021, thị trường chứng khoán London mất lượng giao dịch hàng ngày khoảng 6 tỷ USD bằng đồng EUR. Bernard Mensah, người đứng đầu các hoạt động quốc tế tại Bank of America, một trong những ngân hàng đầu tư nước ngoài lớn nhất của London, cho biết những người hưởng lợi lớn nhất cho đến nay là các sàn giao dịch chính của EU. Hầu hết các ngân hàng, công ty bảo hiểm và các tổ chức tài chính khác đã chuyển các hoạt động liên quan đến EU từ London sang các văn phòng ở Frankfurt, Paris hoặc Dublin. Uớc tính 1,2 tỷ bảng Anh tài sản đã được chuyển sang EU và kèm theo khoảng 7.500 việc làm trước ngày 31-12-2020.

Theo Khánh Minh / sggp.org.vn