TBVĐ- Việc bè hái „vu vơ“ những thứ không thuộc về quyền sở hữu của mình lắm khi sẽ khiến bạn gặp nhiều rắc rối lớn.
Bất cứ ai cũng đều hiểu một điều: Những gì mọc trên đất nhà người khác cũng thuộc về người khác – chứ không phải của mình, điều này là tất nhiên rồi, dù đó là những chùm dâu trên cánh đồng dâu, những bắp ngô mơn mởn trên ruộng ngô không ai trông coi, hay quả táo treo lủng lẳng trên cây bên ven đường, hoa quả dại mọc trên đồng cỏ.
Kể cả khi chúng ta nghĩ rằng, “không ăn thì quả nó cũng hỏng”, thì đó cũng chỉ là để tự an ủi cho hành vi “ăn trộm” của mình mà thôi.
Theo luật pháp của Đức thì chỉ những vật được coi là động sản – nghĩa là đồ vật có thể dịch chuyển bằng cơ học – không thuộc về ai thì chúng ta có thể lấy đi. Như vậy, động sản là những tài sản không phải là bất động sản, nghĩa là chúng không phải đất đai, nhà cửa, cây cối. Bởi cây cối không phải là thứ có thể dịch chuyển bằng cơ học.
Tuy nhiên, hoa quả trên cây lại được coi là động sản, bởi chúng ta có thể hái chúng xuống và mang chúng theo! Đặc biệt, nếu đó là những quả tự rụng xuống từ trên cây, chúng ta lại càng dễ dàng sở hữu chúng. Thế nhưng lại rất khó xác định được cây nào, quả nào là vô chủ (nghĩa là không thuộc về ai). Có lẽ tốt nhất nên thử hỏi hàng xóm xung quanh xem mảnh đất đó thuộc về ai?
Cho đến năm 1975, bộ luật hình sự Đức (viết tắt là StGB) vẫn còn luật qui định tội “Mundraub” – nghĩa là một dạng trộm cắp vặt đồ ăn thức uống hoặc vật dụng rẻ tiền từ nhà người khác để sử dụng ngay. Ví dụ một người vặt trộm vài ba quả táo rồi ăn luôn thì bị liệt vào hành vi phạm tội “Mundraub” này.
Thời đó, kẻ trộm vặt thường sẽ bị xử phạt 150 Mác Đức hoặc bị phạt tù tới 6 tuần. Ngày nay, tuy không còn luật “Mundraub” đó nữa, nhưng nếu hái trộm hoa quả của người khác cũng sẽ bị xử phạt. Nếu giá trị của tổng số lượng hoa quả bị ăn trộm ít hơn 30 Euro, đó là hành vi ăn trộm đồ rẻ tiền. Nhưng các tòa án thông thường chỉ nhận những đơn tố cáo và khiếu nại, nếu giá trị của mức tài sản bị ăn trộm phải đạt từ 50 Euro trở lên, bất kể là ăn trộm cho chính bản thân mình hay cho bất cứ ai khác.
Nếu chủ sở hữu của cây táo (hay mận hay anh đào) đồng ý để bạn trẩy quả xuống, thì tất nhiên không bị tội trộm cắp. Trẻ em từ hơn 14 tuổi trở lên cũng phải chịu nhận phạt, nếu tự ý trèo lên cây ngồi ăn ngay trên đó. Tất nhiên, nếu cây mọc trên một mảnh đất bất kỳ thì chỉ có thể thuộc về chủ sở hữu mảnh đất đó – và cả các quả trên cây cũng vậy.
Nếu một người khác có quy chủ sở hữu mảnh đất cho người khác thuê lại, vậy cái cây và quả trên đó cũng như quyền hái quả sẽ thuộc về người thuê mảnh đất đó.
Nếu thân cây mọc lên chính giữa ranh giới của hai mảnh vườn thì chủ sở hữu hai bên phải chia nhau số quả hái từ cây xuống. Nhưng nếu chỉ là nhánh của gốc cây hay cành cây mọc qua ranh giới này thì quả mọc trên cây thuộc về người có được cả thân cây.
Dù vậy, các bác hàng xóm cũng không nên quá nản lòng. Bởi nếu cành cây tự mọc sang đất nhà bên và quả rụng xuống đó, hay khi trời bão tố, gió thổi bay cành cây có quả sang vườn nhà bên, hàng xóm được nhặt về. Chỉ với điều kiện như vậy thì được, còn không thì không được tự ý dùng sức mình ảnh hưởng lên.
Đối với những quả mọc trên cây dại bên lề đường, người qua đường được phép nhặt chúng với số lượng ít để tự sử dụng. Nếu muốn nhặt nhiều (ví dụ để mang đi bán lại) thì cần phải được sự đồng ý của chủ sở hữu (như thành phố).
Bình An