Các học viên yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ các dấu hiệu khuất tất tại Học viện Giáo dục và đào tạo Quốc tế IBA trong việc tuyển sinh đi lao động tại Đức.
Nhiều học viên Học viện Giáo dục và đào tạo Quốc tế IBA (trụ sở 196/143 Trường Chinh, quận Kiến An, Hải Phòng) phản ánh đơn vị này thu học phí và tiền làm giấy tờ cao (1.800 EUR, tương đương gần 50 triệu đồng) với lời hứa đào tạo, đưa học viên đi Đức lao động nhưng không thực hiện theo cam kết.
Họ đang yêu cầu các cơ quan chức năng quản lý giáo dục ở Hải Phòng vào cuộc, xác minh thông tin để kịp thời xử lý, có câu trả lời thỏa đáng cho họ.
Học viên Hoàng Tiến Đại (21 tuổi, ngụ Hồng Bàng, Hải Phòng) cho biết: “Tháng 7, qua thông tin tiếp thị, quảng cáo, gia đình tôi biết đến Học viện IBA. Tôi có nhu cầu sang Đức làm việc nên đã liên lạc. IBA thuyết phục rằng họ có những cơ sở đào tạo bên Đức, đã đưa rất nhiều người sang Đức làm việc. Tin tưởng, gia đình tôi đóng 1.800 EUR để theo học. Tuy nhiên, khi vào học tôi thấy chất lượng không tốt, giáo viên không có trình độ sư phạm và bằng tiếng Đức của IBA không đảm bảo. Tôi xin rút tiền nhưng bị từ chối. Mẹ tôi phải viện cớ ốm nặng mới được lấy lại 15 triệu đồng”.
Tương tự, học viên Phạm Phương Thảo (23 tuổi, ngụ Hoành Bồ, Quảng Ninh) cũng đã đóng 26 triệu đồng cho IBA để học tiếng. “Chất lượng đào tạo kém, ngoài ra hội đồng cấp bằng theo tôi tìm hiểu là không được Đại sứ quán Đức công nhận để cấp visa”.
Rất nhiều học viên ở Hải Phòng, Bắc Giang, Nghệ An đều đang có chung bức xúc như vậy về chất lượng đào tạo không như cam kết của học viện nhưng không thể lấy lại được số học phí đã đóng.
Theo thông tin của IBA trên website, tờ rơi, poster, fanpage,… thì IBA mời hội đồng ÊCL cấp bằng tiếng Đức cho học viên (hệ A1, A2, B1 theo tiêu chuẩn tiếng Đức). Chúng tôi đã liên lạc với Đại sứ quán Đức hỏi về thủ tục cấp visa cho người Việt Nam muốn sang Đức học tập và làm việc. Đại sứ quán Đức trả lời: “Tiêu chuẩn liên quan đến ngôn ngữ, đại sứ quán sẽ chỉ xét những bằng tiếng do Viện Goethe, tổ chức OSD, TestDaf và TELC cấp. Bằng tiếng do hội đồng ÊCL cấp không được đại sứ quán công nhận để cấp visa”.
Trả lời báo Pháp Luật TP.HCM về những bức xúc trên của học viên, ông Trịnh Đức Phúc, Trưởng phòng Đào tạo của IBA, cho biết: “IBA không hoàn tiền cho bất cứ học viên nào vì trong hợp đồng đã thể hiện rõ điều đó”.
Chúng tôi đặt những câu hỏi như: IBA đưa học viên sang thành phố nào của Đức? Thống kê cụ thể bao nhiêu người trong những năm qua? Học nghề của IBA có những cơ sở lý thuyết và thực hành nào? IBA mới xong tư cách pháp nhân cuối tháng 10-2017, chưa qua chương trình thẩm định của Sở GD&ĐT vì sao đã quảng cáo rầm rộ các thông tin chương trình học?… Tuy nhiên, phía IBA chưa trả lời vì lý do: “Giám đốc đang ở Đức”.
Trong lần liên lạc mới đây, đại diện phòng Truyền thông nhà trường thừa nhận Hội đồng ÊCL cấp bằng tiếng Đức cho học viên không được Đại sứ quán Đức công nhận để cấp visa. Tuy nhiên, nhà trường vẫn không đồng ý trả lại tiền cho các học viên và từ chối trả lời tất cả vấn đề liên quan khác.
Theo Hải Đường / plo.vn