TBVĐ- Vào tháng 11-2016, một nghi phạm bị bắt vào trại tạm giam chờ toà Dresden điều tra một vụ án về tội tống tiền mức độ nặng và thành lập một tổ chức tội phạm. Thế nhưng phải tới 7 tháng sau, bản cáo trạng mới được nộp lên toà, và tiếp tục thêm 13 tháng nữa trôi qua, toà mới quyết định khởi tố.
Trong thời gian này, nghi phạm không hề được thả ra ngoài. Lý do duy nhất khiến nghi phạm không được thả về là bởi toà án bị quá tải, không thể đặt lịch khởi tố vụ án sớm hơn. Vụ kiện tụng đó thậm chí còn tiếp tục bị lùi lại thêm 2 tháng, cho đến khi một hội đồng xét xử mới được thành lập và nhận xử vụ án này.
Đối tượng đâm đơn kiện toà Dresden và thắng kiện. Toà án hiến pháp liên bang (Bundesverfassungsgericht) đã tuyên án vào đầu tháng 6-2018 rằng, đây là hành vi vi phạm quyền tự do cá nhân (án số Az. 2 BvR 819/18). Theo các thẩm phán tại Karlsruhe thì sự việc này không thuộc phạm vi trách nhiệm của nghi phạm, nhưng bởi chính nhà nước đã không kịp thời tổ chức đủ các hội đồng xét xử trong toà án mà khiến một người vừa mang nghi vấn lại bị bắt vào trại tạm giam trong một khoảng thời gian kéo dài vô cùng phi lý.
Để ban hành và duy trì lệnh tạm giam một nghi phạm, thông thường toà án cần lưu ý cân bằng mối tương quan giữa quyền tự do của mỗi cá thể với nhu cầu truy tìm thủ phạm của các cơ quan điều tra hình sự. Xét về mặt hiến pháp, chỉ được phép bắt giam một người đã bị xét xử và kết án trước toà án. Giam giữ một người mới nằm trong diện bị tình nghi hoàn toàn là bất hợp pháp và chỉ có hiệu lực trong vài trường hợp ngoại lệ. Chính vì thế, toà án hiến pháp liên bang cũng nhấn mạnh, các cơ quan điều tra và tố tụng hình sự cần sử dụng mọi biện pháp để nhanh chóng kết thúc quá trình điều tra cũng như khởi tố và có một án quyết tương ứng.
Đức Thắng