Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Khai mạc triển lãm trưng bày “Báu vật khảo cổ Việt Nam” tại Chemnitz

Ảnh: Cẩm Chi

TBVĐ- Hành trình triển lãm đầu tiên về lịch sử và những báu vật khảo cổ của Việt Nam đã được tổ chức và trưng bày tại Đức. Ba thành phố có được vinh dự này gồm thành phố Herne,  Chemnitz và sau đó sẽ chuyển tiếp đến viện bảo tàng Reiss-Engelhorn tại Mannheim.

Chiều hôm qua, thứ 5, 30.3.2017, rất đông kiều bào đại diện các hội đoàn gần xa, các phóng viên, nhà báo và người Việt sinh sống ở Chemnitz đã cùng người thân, bạn bè cũng như nhiều khách mời người Đức đến tham dự khai mạc triển lãm đặc biệt tại Viện Bảo Tàng Khảo Cổ (viết tắt là smac) với chủ đề “Báu vật khảo cổ học Việt Nam”. Ngoài các ban ngành liên quan, chương trình còn có sự hiện diện của bà Tiến Sỹ Eva Maria-Stange – Bộ trưởng Bộ Khoa học và Nghệ Thuật bang Sachsen, ông Đoàn Xuân Hưng – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại CHLB Đức, Tiến Sỹ Nguyễn Văn Đoàn – Phó giám đốc Viện Bảo Tàng Lịch Sử Quốc Gia Việt Nam tại Hà Nội, bà Trần Thị Hòa Bình – đại diện Viện Goethe tại Hà Nội, Tiến Sỹ Josef Mühlenbrock – Giám đốc Viện Bảo Tàng Khảo Cổ tại Herne, và tất nhiên không thể thiếu sự hiện diện của bà Tiến Sỹ Sabine Wolfram – Giám đốc Viện Bảo Tàng Khảo Cổ tại Chemnitz.

Ảnh: Cẩm Chi
Ảnh: Cẩm Chi

Chương trình bắt đầu vào hồi 18 giờ. Trong bài phát biểu khai mạc, bà Wolfram và bà Stange đều bày tỏ sự vui mừng, phấn khích mang theo chút cảm giác nhẹ lòng, vì sau bao khó khăn, vất vả và cố gắng kéo dài nhiều năm, cuối cùng hành trình triển lãm đầu tiên về lịch sử và những báu vật khảo cổ của Việt Nam đã được tổ chức và trưng bày tại Đức. Ba thành phố có được vinh dự này gồm thành phố Herne (triển lãm đã diễn ra vào khoảng thời gian từ 7.10.2016 đến 26.2.2017), hiện tại là Chemnitz và sau đó sẽ chuyển tiếp đến viện bảo tàng Reiss-Engelhorn tại Mannheim.

H2
Ảnh: Cẩm Chi
H1
Ảnh: Cẩm Chi

Trong lời phát biển của mình, Đại sứ đặc mệnh Đoàn Xuân Hưng tự hào vì đây là lần thứ 2, ông tham dự khai mạc triển lãm về báu vật Việt Nam tại Đức. Và ông mong muốn mối quan hệ giữa hai nhà nước Việt Nam và Đức được phát triển tốt hơn nữa, hai bên hiểu nhau hơn nữa trên mọi phương diện, từ kinh tế đến văn hóa, nghệ thuật, lịch sử. Phó giám đốc Bảo Tàng Lịch Sử Quốc Gia Việt Nam, ông Nguyễn Văn Đoàn bày tỏ sự vui mừng và ấn tượng mạnh, khi những hiện vật khảo cổ Việt Nam được trưng bày và tôn vinh trong một không gian sang trọng và hiện đại. Ông nhấn mạnh, những hiện vật này chính là nhân chứng cho sự kế thừa, giao lưu, ảnh hưởng và phát triển văn hóa của Việt Nam trong khu vực. Đó cũng là từng trang sử hào hùng và vẻ vang của dân tộc Việt Nam, để người Việt dù sống ở đâu cũng luôn có thể tự hào và yêu quí, hướng về nguồn cuội ông cha. Ông cũng chúc cho sự hợp tác hai bên thành công tốt đẹp, chúc triển lãm tại Chemnitz sẽ thu hút được lượng khách tham quan lớn như tại Herne (với hơn 50.000 lượt khách) và gửi lời cảm ơn tới các ban ngành, đồng nghiệp tại Việt Nam cũng như các đối tác bên Đức đã góp phần tham gia trong chương trình này.

Ảnh: Cẩm Chi
Ảnh: Cẩm Chi

Tiếp theo, bà Trần Thị Hòa Bình giới thiệu về Viện tiếng Đức Goethe tại Hà Nội cũng như vai trò của Viện trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa giữa Đức và Việt Nam. Và sau cùng, ông Mühlenbrock hé lộ một vài tiêu điểm của triển lãm, không chỉ mang tới cho khách tham quan người Đức và quốc tế, mà cả kiều bào Việt Nam sống tại Đức khoảng 400 cổ vật có giá trị được trưng bày theo 3 chủ đề, bao gồm Thời tiền sử, Thánh địa Mỹ Sơn và Hoàng thành Thăng Long. Hầu hết những cổ vật này chưa từng được mang ra nước ngoài. Một điểm nhấn đặc sắc nhất của triển lãm là mộ thuyền cổ Việt Khê từ thời đại Đồ Sắt ở Đông Năm Á (trên 2000 năm tuổi) với gần 100 hiện vật tùy táng bên trong.

Ảnh: Cẩm Chi
Ảnh: Cẩm Chi

Xen giữa chương trình khai mạc là phần biểu diễn của ban nhạc Lao Xao Trio đến từ Dresden với những bài hát, bản nhạc dân ca Việt Nam mang âm hưởng đương đại. Ban nhạc này gồm 2 nhạc công người Đức và một nữ ca sỹ người Việt, đã từng nhiều lần đoạt giải Âm nhạc quốc tế.

Triển lãm kéo dài đến 20.8.2017, tại Viện Bảo Tàng Khảo Cổ Chemnitz tọa lạc trên quảng trường Stefan-Heym-Platz 1 (Brückenstraße 9-11). Giờ mở cửa: thứ 3 đến chủ nhật – 10 đến 18 giờ; thứ 5 – 10 đến 20 giờ; thứ 2 mở cửa vào các ngày 17.4. (dịp lễ Phục Sinh – Ostermontag), ngày 1.5. (Ngày Lao Động Quốc Tế) và ngày 5.6. (dịp lễ Hạ Trần – Pfingstmontag). Giá vé cho người lớn: 5€; giá vé gia đình: 8€; trẻ em dưới 17 tuổi được miễn phí. Ngoài ra, nhiều nơi như thành phố Tübingen, Berlin và Herne còn tổ chức những buổi giao lưu, những buổi đàm luận về Việt Nam kéo dài từ tháng 4 đến tháng 6 (xem chi tiết tại trang mạng trực tuyến www.smac.sachsen.de).

Trao đổi với Thời Báo Việt Đức, các kiều bào sống tại Chemnitz và vùng phụ cận đều nói lên sự vui mừng và hãnh diện của mình khi tham dự buổi khai mạc triển lãm khảo cổ Việt Nam. Ai cũng chắc chắn sẽ phải quay lại nhiều lần, đưa con và bạn bè người Đức theo để cùng nhau ngắm các cổ vật, tìm hiểu và giới thiệu thêm một góc nhìn khác về chiều sâu lịch sử, văn hóa Việt Nam, giúp các cháu và bạn bè hiểu hơn về quê hương của mình.

Cẩm Chi