Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Khủng hoảng năng lượng có thể kích động chủ nghĩa cực đoan ở Đức

Ảnh minh họa: pixabay.com

Thống đốc bang Bayern của Đức Markus Soder cảnh báo cuộc khủng hoảng năng lượng ở Đức có thể khiến chủ nghĩa cực đoan gia tăng ở nước này và kêu gọi các đảng hợp tác nhiều hơn nữa để ngăn chặn.

“Nỗi sợ hãi và một tương lai không chắc chắn là những yếu tố kích động những kẻ cực đoan. Trước khi mùa Đông tới, trong một thời gian dài, mọi người đã phải trải qua tình hình bất ổn chưa từng có. Việc các cuộc khủng hoảng xảy ra liên tiếp, dồn dập như khủng hoảng năng lượng và đại dịch COVID-19 có thể khiến nền dân chủ mất ổn định. Do đó, các đảng dân chủ nên có lập trường rõ ràng, ít tranh cãi hơn và động viên công chúng”, Thống đốc Soder trả lời phỏng vấn báo Đức Bild am Sonntag ngày 16/10.

Nhà chức trách cũng kêu gọi Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck và Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner ngừng tranh cãi về việc kéo dài thời gian hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân. Ông gợi ý Thủ tướng Đức Olaf Scholz nên giải quyết tranh chấp giữa hai bộ trưởng, lưu ý rằng nước này cần kéo dài thời gian hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân ít nhất đến năm 2024, cũng như áp dụng các biện pháp để hãm đà tăng giá khí đốt và hỗ trợ tài chính cho người dân trong tháng 10, tháng 11.

Hai bộ trưởng Habeck và Lindner tranh cãi suốt nhiều tháng về thời gian gia hạn hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân của Đức. Trong khi Habeck – một thành viên của chính đảng Greens – bày tỏ ý định kéo dài hoạt động của hai trong số ba nhà máy điện hạt nhân còn lại cho đến tháng 3/2023 thì Bộ trưởng Lindner kêu gọi gia hạn hoạt động của cả 3 nhà máy cho đến năm 2024.

Trước đó, Đức có kế hoạch loại bỏ dần năng lượng hạt nhân vào năm 2022. Đầu năm nay, Berlin đã đóng cửa 3 trong số 6 nhà máy điện hạt nhân.

Vào tháng 8, Stephan Kramer – Chủ tịch Văn phòng Bảo vệ Hiến pháp – từng cảnh báo Đức sắp phải đối mặt với cái gọi là “nỗi tức giận mùa Đông” với nguy cơ xảy ra các cuộc biểu tình bạo lực liên quan đến đại dịch COVID-19, cuộc khủng hoảng Ukraine, khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng năng lượng.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo Sputnik)
Nguồn: baotintuc.vn