Theo Hãng tin CNBC, trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã bày tỏ lạc quan về tình hình kinh tế thế giới năm 2021. Dự kiến kinh tế toàn cầu tăng trưởng 5,5% trong năm nay, cao hơn 0,3% so với dự báo đưa ra hồi tháng 10-2020.
Tác động tích cực từ vaccine
Theo nhà kinh tế trưởng của IMF Gita Gopinath, phần lớn sự phục hồi kinh tế hiện nay phụ thuộc vào kết quả của “cuộc đua” giữa những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 và vaccine nhằm chấm dứt đại dịch, cũng như khả năng của các chính sách hỗ trợ hiệu quả. Việc IMF điều chỉnh tăng trưởng kinh tế năm 2021 đã phản ánh tác động tích cực của việc triển khai chương trình tiêm chủng tại một số quốc gia bên cạnh việc chính phủ một số nước như Mỹ và Nhật Bản ban hành chính sách hỗ trợ kinh tế và người dân vào cuối năm 2020.
Báo cáo cũng đánh giá gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD do Tổng thống Mỹ Joe Biden đề xuất có thể đẩy sản lượng kinh tế Mỹ tăng 5% trong 3 năm tới. Bà Gopinath cho hay các biện pháp trong gói tài chính này nhiều khả năng giúp nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trưởng thêm 1,5% trong năm 2021, trong khi IMF dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ tăng lên 5,1% sau mức giảm 3,4% trong năm 2020.
Báo cáo cũng điều chỉnh tăng trưởng kinh tế Trung Quốc vào năm 2021. Theo đó, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này sẽ tăng trưởng 8,1% trong năm nay, thấp hơn 0,1% so với mức dự báo được đưa ra trong báo cáo tháng 10-2020. Thể chế tài chính này cũng chỉ rõ nền kinh tế Trung Quốc đã quay trở lại mức dự báo trước thời kỳ dịch bệnh vào quý 4-2020, trước tất cả các nền kinh tế lớn khác. Đối với Nhật Bản, IMF đã nâng dự báo tăng trưởng năm 2021 của nước này thêm 0,8%, lên 3,1%; trong khi đó, kinh tế Ấn Độ sẽ tăng tới 11,5%, cao hơn 2,7% so với dự báo.
Tại châu Âu, khu vực đang phải áp đặt các biện pháp siết chặt gắt gao nhằm ứng phó với số ca mắc mới Covid-19 tăng nhanh, IMF đã dự báo tăng trưởng của khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) hạ 1%, còn 4,2%, với sự suy giảm đáng kể tại Đức, Pháp, Tây Ban Nha và Italy. Dù Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã đạt thỏa thuận thương mại vào phút chót trước khi Anh chính thức rút khỏi EU, song IMF dự báo tăng trưởng kinh tế của xứ sở sương mù sẽ giảm 1,4%, xuống 4,5% trong năm nay.
Vẫn còn rủi ro
Dự báo trên của IMF đã cho thấy triển vọng tươi sáng hơn của kinh tế thế giới trong năm 2021. Tuy nhiên, phía IMF nhấn mạnh vẫn chưa thể chắc chắn và triển vọng rất khác nhau giữa các quốc gia do còn phụ thuộc vào tốc độ kiểm soát dịch và công tác tiêm phòng có thuận lợi hay không. Covid-19 dự kiến khiến GDP toàn cầu giai đoạn 2020-2025 mất 22.000 tỷ USD. Đại dịch đã làm trầm trọng thêm những rủi ro liên quan đến làn sóng tích lũy nợ toàn cầu kéo dài hàng thập niên, đồng thời làm giảm tốc độ tăng trưởng tiềm năng được dự báo từ lâu trong thập niên tới.
Theo Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva, các khuôn khổ và công cụ mới có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng, nhưng các gói kích thích tiền tệ bổ sung cũng có thể đặt ra những nguy cơ lớn đối với sự ổn định tài chính. Các điều kiện tài chính nới lỏng có thể dẫn đến tâm lý dễ dãi chấp nhận các rủi ro tiềm tàng.
Đây cũng là thời điểm các nước cần đánh giá lại tình hình tài chính công trên toàn quốc không chỉ kể từ dịch Covid-19 bùng phát mà còn kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nhằm xác định xem liệu chính phủ có đang chi tiền cho các ưu tiên một cách đúng đắn hay không. Trong khi đó, giới chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, trạng thái bình thường mới đối với bối cảnh kinh tế toàn cầu đang hình thành. Năm 2021 đánh dấu sự phục hồi kinh tế giai đoạn đầu, tương tự như những gì thế giới đã chứng kiến sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Theo Thanh Hằng / sggp.org.vn