Cuộc sống trời Tây dạy tôi biết tiết kiệm, chắt chiu, chịu đựng và trên cả là sự nhẫn nhịn. Nơi đây đã dạy cho tôi tinh thần dân tộc, tình yêu quê hương đất nước. (Nguyễn Thị Mỹ Huyền, Đà Nẵng)
Gần hai năm trên đất Tây, tôi vui buồn, sướng khổ, khóc có, cười có, than thân, trách phận cũng có, đủ mọi cung bậc cảm xúc. Những ngày đầu đặt chân sang Pháp, tôi không định nghĩa được, có một chút gì đó hụt hẫng, lạ lẫm và thiếu thốn, cùng mất mát. Nhưng rất nhanh sau đó, mọi thứ trôi qua nhường chỗ cho lo lắng, cho vội vã. Tôi lo vì không nói được, không nghe được, vội vì không biết đường nào để đến ga metro nhanh nhất, vì sợ trễ tàu… vội vì tất cả mọi người đều vội.
Tôi sang Pháp vào đúng Tết Dương lịch, được tận hưởng cái lạnh đến cắt da, cắt thịt, cái lạnh hiếm có đối với miền Trung Việt Nam. Khi tôi xuống Maseille, tôi hạnh phúc vô cùng khi thấy được nắng. Tôi vui không được 5 phút, hào hứng không được 5 phút thì bao nhiêu khó khăn bắt đầu xuất hiện. Bỗng dưng cái cảm giác của một con người khuyết tật tội nghiệp vô cùng, cứ như câm điếc giữa rừng người khác màu da, màu tóc. Tôi lạc loài, bơ vơ như người chết đuối không vớ được cọc… Tôi tủi thân và nước mắt là cảm giác hiện thực nhất, chân thành nhất với tôi lúc này.
4 tháng đầu, lúc người người nhà nhà quay quần bên nhau khi Tết đến xuân về, còn với tôi thì đó lại là khoảng thời gian quá khủng khiếp vì cái lạnh, đói, không người thân. Tôi thèm rau muống, thèm miếng cơm trắng với nước mắm, thèm không khí gia đình, thèm những gì liên quan đến hai chữ Việt Nam… Tất cả là nhớ, nhớ đến quay quắt, nhớ đến phát điên.
Sang mùng 2 Tết thì tôi mới mượn được điện thoại để gọi về thăm nhà. Khi nói chuyện với mọi người, tôi vẫn vui vẻ, vẫn tươi như hoa nhưng bỏ điện thoại xuống là nước mắt tự nhiên chảy, chảy không ngừng nghỉ. Tôi nhớ Việt Nam. Cái cảm giác lần đầu tiên gặp được một người Việt trên metro, cái cảm giác lần đầu tiên nghe thấy chính ngôn ngữ của dân tộc mình giữa rừng ngoại quốc nó lạ, sung sướng và hạnh phúc lắm. Khi đó không một ngôn ngữ hay mỹ từ nào có thể diễn tả chính xác cảm xúc khoảnh khắc ấy… Nó thiêng liêng đến kỳ lạ…
Tôi còn nhớ cái cảm giác được ăn tô mì gói của một chị nữ tu cho trong thời tiết lạnh đến chảy máu mũi, nó ngon làm sao. Tôi vừa ăn mà nước mắt vừa chảy. Với một đứa sinh viên như tôi, chi tiêu phải tiết kiệm, tính toán từ xu nhỏ thì gói mì 75centines là điều vô cùng xa xỉ. Các bạn biết, lần đầu tiên tôi đi chợ Việt Nam, được đến một nơi toàn nghe và thấy đồng hương, được hiểu tiếng nói của chính dân tộc mình, vui và hạnh phúc không thể tả. Khi đến chợ, tôi thích thú vô cùng khi thấy rau muống và các thứ thực phẩm nhiệt đới châu Á. Nhưng tôi chợt giật mình lùi bước vì giá quá đắt, đổi ra tiền Việt, đắt không chịu nổi. Thế là tôi đành nhìn và nhịn… Sau đó là những chuỗi ngày tháng đói và thèm.
Tôi thèm đồ ăn Việt, thèm bó rau muống, miếng tàu hũ, thèm mắm dưa, mắm cà, canh chua cá lóc, hay đơn giản là ổ mì thịt chả. Các bạn từng ăn sữa chua và uống sữa để chống đói chưa? Tôi ăn cả tuần, thứ gì cũng ăn. Tôi mua một con gà 7 euros, ăn từ thứ 2 đến chủ nhật. Lúc đau ốm tôi chỉ lủi thủi một mình, sốt cả đêm cũng một mình. Vì trời lạnh quá nên máu mũi của tôi chảy ngày một, tay chân khô nứt hết cả. Sau đó, tôi kìm được chân phụ bếp trong một nhà hàng, phải làm việc 12 tiếng một ngày, chỉ đứng và chạy. Một người làm bên này bằng bốn người làm bên kia.
Tôi cực quá nên chỉ biết nuốt ngược nước mắt, nhưng có giấu được mãi đâu, rồi cũng xuôi dòng mà trào ra. Tôi cảm thấy tủi thân, ức chế, chẳng biết nói với ai. Tôi đóng phòng và khóc môt mình và đôi lúc ước được thoát tiếng khóc ra ngoài, nhưng bất lực. Hơn cả tự lập, cuộc sống trời Tây dạy tôi biết tiết kiệm, chắt chiu, chịu đựng và trên cả là sự nhẫn nhịn. Nơi đây đã dạy cho tôi tinh thần dân tộc, tình yêu quê hương đất nước. Khi bước chân qua khỏi biên giới là mỗi người phải mang trong mình cả một sĩ diện quốc gia, cả bộ mặt in hai chữ Việt Nam đậm nét. Đó không chỉ là mình mà còn là gia đình, là Tổ quốc, là nước nhà.
Các bạn có biết cái cảm giác của sự kỳ thị không? Cảm giác mà khi người đối diện nhìn mình bằng con mắt của sự khác biệt chủng tộc, khác biệt màu da, màu tóc không? Nó khó chịu lắm. Người bạn Tây của tôi nói: “Việt Nam tụi mày đẹp lắm, sông núi, biển hồ rất tuyệt nhưng sao người Việt kỳ lạ thế”. Tôi hỏi “Kỳ lạ như thế nào?”. Anh ta trả lời: “Người tụi mày không biết giúp đỡ nhau”. Ai đó trả lời tôi đi. Tại sao trong các siêu thị, các nhà hàng lại có cái biển báo “cấm lấy cắp” bằng tiếng Việt. Tại sao chỉ người Việt chen lấn, xô đẩy khi ăn buffet? Tại sao chỉ người Việt bán buôn lấn chiếm đường xá, cự cãi, dành khách và phá giá với nhau? Tại sao chỉ là người Việt thôi?
Theo Nguyễn Thị Mỹ Huyền/ VnExpress