Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Lý do rừng châu Âu biến thành ‘hỏa ngục’

Ảnh minh họa: pixabay.com

Nắng nóng gây hạn hán và nền nhiệt cao, cùng mật độ lớn vật liệu dễ cháy khiến nhiều cánh rừng châu Âu liên tiếp bốc cháy trong đợt sóng nhiệt gần đây.

Đợt sóng nhiệt vừa qua gây ra các vụ cháy rừng nghiêm trọng, quy mô hàng trăm nghìn ha ở châu Âu, khiến nhiều người phải sơ tán. Những đám cháy rừng lớn đã xuất hiện ở châu Âu từ đầu năm nay và trở nên thường xuyên hơn, gây nhiều thiệt hại và khó khống chế hơn.

Giới khoa học cảnh báo cháy rừng ở châu Âu sẽ trở nên ngày càng tồi tệ, khi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trở nên nghiêm trọng hơn nếu châu lục và thế giới không có biện pháp ứng phó kịp thời.

Làn sóng di cư ồ ạt của người châu Âu từ nông thôn lên thành thị nửa sau thế kỷ 20 đã khiến các khu rừng không còn được con người chăm sóc, bảo vệ, ngày càng dễ tổn thương trước hạn hán và nắng nóng. Rừng châu Âu thời gian qua chỉ cần một đốm lửa nhỏ là có thể tạo ra một “hỏa ngục”, theo Barry Hatton, bình luận viên của AP tại Bồ Đào Nha, một trong những nước chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi cháy rừng.

Johann Goldammer, lãnh đạo Trung tâm Giám sát Hỏa hoạn Toàn cầu (GMFC) thuộc Liên Hợp Quốc, cho biết các cánh rừng ở châu Âu hiện tràn ngập vật liệu dễ cháy, như thân cây chết, lá cây, cành và cỏ khô.

“Đây là lý do châu Âu phải đối mặt với nguy cơ cháy rừng chưa từng có, bởi suốt 1000-2000 năm qua, chưa bao giờ có nhiều vật liệu dễ cháy như vậy ở lục địa này”, ông Goldammer nhận định.

Chỉ cần một ngọn lửa nhỏ được bất cẩn đốt lên là đủ để cháy rừng bùng phát. Tại Bồ Đào Nha, 62% số vụ cháy rừng bắt nguồn từ các hoạt động nông nghiệp như đốt rơm rạ.

Trong điều kiện đó, biến đổi khí hậu càng khiến cháy rừng trở nên đáng sợ hơn. “Điều này đặc biệt đúng ở Nam Âu, nơi điều kiện thời tiết thích hợp cho hỏa hoạn trở nên ngày càng thường xuyên”, Friederike Otto, giảng viên cấp cao về Khoa học Khí hậu tại Viện Biến đổi Khí hậu Grantham ở Anh, nhận định. “Nền nhiệt cao, hạn hán kéo dài, gió lớn trở thành những ‘mồi lửa’ khiến cháy rừng vào mùa hè ở châu Âu trở thành ‘bình thường mới'”.

Giới chức EU lưu ý rằng châu Âu đã chứng kiến những vụ cháy rừng dữ dội nhất 5 năm qua và tình hình có thể nghiêm trọng hơn khi châu lục hứng chịu đợt hạn hán tồi tệ. Khu vực Địa Trung Hải đang nóng lên nhanh hơn 20% so với mức trung bình toàn cầu, theo LHQ.

Theo thống kê từ EU, diện tích rừng bị cháy ở các vùng nông thôn trong năm nay lên tới 450.000 ha, tính đến ngày 16/7, gấp ba lần so với trung bình cùng kỳ giai đoạn 2006-2021. Châu Âu cũng ghi nhận 1.900 vụ cháy rừng tính đến 16/7, so với mức trung bình 470 vụ năm 2006-2021.

Hạn hán, nắng nóng, kết hợp cũng biến đổi khí hậu khiến các đám cháy trở nên khó kiểm soát, do lửa có nhiều điều kiện để lan rộng nhanh chóng. Giới khoa học cho biết biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục khiến thời tiết khắc nghiệt hơn, khiến các đám cháy bùng phát thường xuyên và có sức tàn phá “hủy diệt”, gồm cả những đám cháy lớn đến mức hầu như không thể dập tắt.

Cháy rừng ở Tây Ban Nha bùng phát từ đầu năm, dưới tác động của đợt nắng nóng đến sớm nhất trong hai thập kỷ, khi nhiều thành phố ghi nhận nhiệt độ 40 độ C trong mùa xuân. Bồ Đào Nha cũng chứng kiến tháng 5 nóng nhất trong 9 thập kỷ, khiến 97% lãnh thổ hứng chịu hạn hán nghiêm trọng.

“Chúng ta sẽ không thể ngăn chặn hoàn toàn cháy rừng”, bà Otto nói. “Chúng ta phải học cách chung sống với điều này”.

Amila Meskin, cố vấn chính sách tại Hiệp hội Rừng châu Âu (EUSTAFOR), cho rằng châu lục cần xem xét lại công tác quản lý rừng để hạn chế những đám cháy lớn trong tương lai.

Các dự án như chương trình tích trữ nước, trồng rừng hỗn hợp và phục hồi đất than bùn đã và đang được thực hiện ở một số khu vực, song khó cho thấy kết quả tích cực một sớm một chiều. Tuy nhiên, bà hy vọng những đám cháy rừng gây sốc hiện nay sẽ thúc đẩy cộng đồng quan tâm nhiều hơn đến chăm sóc và bảo vệ rừng.

“Thật buồn khi chứng kiến những cánh rừng châu Âu đẹp đẽ bốc cháy như vậy”, Meskin nói.

Đức Trung (Theo AP)

Nguồn: baotintuc.vn