TBVĐ- Theo Sở thống kê liên bang dựa vào các dữ liệu tính ra, thì đến tháng 5 vừa qua, mức giá cả trên thị trường hàng tiêu dùng tại Đức tăng vọt, hơn 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước đó, mức lạm phát tăng cao tương tự là vào tháng 2-2017. Trong tháng 3 và tháng 4 năm 2018, giá thành chỉ tăng ở mức 1,6% mỗi tháng và tháng 2 trước đó chỉ là 1,4%.
Tuy nhiên, theo ông Marco Bargel thuộc ngân hàng Postbank cho biết: “Sự tăng trưởng kinh tế của chúng ta đã kéo dài khá lâu rồi, điều này có thể thấy được dựa vào việc tăng lương ở nhiều nơi.
Không sớm thì muộn, điều này sẽ kéo theo mức lạm phát cao hơn.” Bởi các doanh nghiệp được quyền tính mức lương cao của nhân viên lên khách hàng của họ. Hơn nữa, mức lạm phát vào khoảng 2% cũng là “một dấu hiệu của việc bình thường hoá phát triển kinh tế tại Đức nói riêng và trong khu vực sử dụng đồng Euro nói chung” – ông Jörg Zeuner, chủ tịch tập đoàn ngân hàng KfW nhấn mạnh.
Một yếu tố khác cũng đóng vai trò quan trọng trên thị trường là giá du lịch trọn gói đang đắt đỏ hơn trước. Nguyên nhân là vì thời gian nghỉ lễ Hạ Trần sớm, vùng đông dân cư nhất nước Đức là Nordrhein-Westfalen trong năm nay đặc biệt được nghỉ lễ này cả một tuần.
Nhiều người tất nhiên sẽ tranh thủ đi chơi, đi nghỉ. Ngoài ra, giá nhiên liệu như giá xăng trong tháng 5 vừa qua tăng gần 9%, hơn 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái, còn giá thực phẩm tăng thêm 3,5%.
Nhà nước dự tính mức lạm phát cả năm 2018 trung bình sẽ là 1,7%. Bởi mức lạm phát trong khu vực sử dụng đồng Euro vẫn thấp, Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu sẽ tiếp tục giữ chính sách 0 lãi suất của mình. Theo các chuyên gia của ngân hàng đầu tư Nomura nhận định, phải đến tháng 9-2019, mức lãi suất có thể mới tăng.
Lưu Minh