Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Muôn kiểu cạnh tranh thiếu lành mạnh của người Việt tại Đức

Ảnh minh họa: pixabay.com

TBVĐ- Những ngành nghề chính của người Việt tại Đức gồm buôn bán quần áo, thực phẩm Châu Á, làm móng tay, mở quán ăn/nhà hàng.

Ngoài những công việc trên còn có các hãng cung cấp thịt gà, thịt vịt, các nhà vườn trồng rau thơm và rau ta vào mùa hè, hoặc các văn phòng du lịch, tiệm cắt tóc toạ lạc trong các khu chợ ở Leipzig, Berlin.

Nhờ sự chăm chỉ, nhạy bén và khác biệt, người Việt tại Đức nhanh chóng hoà nhập, đặc biệt là trong ngành kinh doanh. Nhiều người chưa biết rành tiếng Đức, nhưng có khi đã là chủ của một hoặc vài cửa hàng nail, tiệm ăn v.v… Tuy nhiên, có lẽ bởi cuộc sống ngày một khó khăn, nên không ít người Việt đã dùng đến các chiêu trò cạnh tranh “độc”, hòng mong “vùi dập”, thậm chí “đập chết” đối thủ!

Cuối tháng 08.2017, tôi đến Magdeburg và vô tình được nghe câu chuyện về hai vợ chồng nọ. Họ còn rất trẻ, mới mở quán ăn đặc sản Việt. Trước khi mở, cả hai làm nhân viên trong nhà hàng của một gia đình người Việt khác. Họ rất quý nhau, lúc nào cũng coi như “có chị có em”, “lọt sàng xuống nia”, tin tưởng tuyệt đối. Đùng phát thấy khách hàng kể là hai vợ chồng này trong khi bê đồ ăn ra lại toàn rủ rỉ với khách rằng “chúng tôi sắp mở quán khác, cách đây 2 con phố thôi”, thậm chí còn đưa visit card của quán mới cho họ. Người Đức họ không ngu, và nếu đã chơi với ai thì họ sẽ luôn bênh vực người đó. Thế là lời qua tiếng lại, đều từ miệng người thứ ba mà chủ cũ mới biết nhân viên của mình chuẩn bị nghỉ việc và cũng tự mở quán. Nhưng lúc đó thì quá muộn để cứu vớt một tình bạn, một mối quan hệ. Hai bên cấm cửa nhau, từ đó cũng không thèm chào hỏi, nhìn mặt nhau nữa.

Bang Sachsen hay Berlin, München … là những nơi người Việt sống tập trung nhiều nhất. Cũng là những nơi phát sinh nhiều chiêu trò cạnh tranh không lành mạnh nhất, ví dụ như phá giá – tiệm nail cũ thì có giá mỗi bộ là 40 Euro, tiệm nail mới mở hạ luôn còn 15 Euro! Cửa hàng quần áo của anh K tại Aue bán đồ lanh (Leinen) của Ý khá đắt đỏ, nhưng mẫu và vải rất đẹp. Cửa hàng chị B thấy thế cũng lấy hàng Trung Quốc về bán rẻ bằng 1/3. Rồi hai bên xoay qua nói xấu, chỉ trích lẫn nhau. Bên nào cũng cho rằng mình hơn người kia, mặc dù hỏi ra thì họ vẫn thừa nhận là lượng khách không giảm, nhưng cũng không tăng. Hoá ra ai cũng có khách của người nấy!

Hoặc nhiều tiệm nail lại hay dùng chiêu nói xấu kiểu “bên đó làm acryl hỏng móng tay, không tốt, bên chúng tôi làm gel tốt hơn!”. Kỳ thực thì chúng ta đều biết, cứ mài mỏng xong bôi đủ các chất hoá học lên móng tay thì có gì “tốt hơn” được chứ?

Lại kể có người Việt kia vừa mở quán ăn là lôi kéo ngay người làm của đối thủ bằng cách hứa tăng mức lương và các đãi ngộ. Có người hám lợi thì đồng ý bỏ ngay chủ cũ, theo chủ mới, mà quên mất rằng niềm tin cũng phải được xây dựng bằng chính niềm tin. Liệu chủ mới có thật sự tin tưởng bạn, muốn bạn về làm cho họ vì yêu quý bạn? Hay bạn chỉ là công cụ cho họ “chơi” lẫn nhau, xong việc rồi chưa chắc họ còn coi trọng bạn?!

Ngày nay ai cũng sử dụng mạng xã hội, đặc biệt là người Việt, không chỉ dùng để liên lạc, mà còn để buôn bán, có buôn bán thì tất nhiên lại cũng có cạnh tranh. Vậy là gi gỉ gì gi cái gì cũng lôi lên mạng, ví như rao bán đồ ăn, bán quần áo, rồi bóc mẽ, bóc phốt các chiêu trò của đối thủ, kêu gọi mọi người tẩy chay, thậm chí cũng là nơi chửi bới, thoá mạ lẫn nhau. Người trong cuộc tức tối đầy vơi, người ngoài cuộc vỗ tay tán thưởng vì có trò vui để xem, để chia sẻ và bình luận!

Châm ngôn xa xưa của các cụ “buôn có bạn, bán có phường” giờ đã không hoàn toàn đúng nữa. Người Việt muốn phá kén và phát triển theo hướng độc đáo và khác biệt. Tiếc là nhiều người không chỉ phát huy những mặt mạnh, mà còn khiến mặt yếu của mình nổi trội hơn. Tuy nhiên, cạnh tranh bằng thủ đoạn và những chiêu trò không lành mạnh sẽ chỉ càng khiến bạn mệt mỏi vì cần tập trung nghĩ cách thay đổi chúng luôn xoành xoạch.

Khách hàng cũng là người, mà trăm người mười ý, thường sẽ có lựa chọn riêng theo sở thích của họ. Có người sẽ chú ý giá thành, người khác lại đặt chất lượng lên đầu, giá có đắt chút cũng không sao. Nhiều người lựa chọn vào quán ăn của bạn chỉ vì được tâm sự, kể lể với bạn thấy thoải mái. Người khác lại tìm nơi kín đáo, có nhạc dịu nhẹ, êm tai.

Tuy vậy nếu không có cạnh tranh thì thường chúng ta sẽ trở nên ì trệ, không tích cực thay đổi nữa. Bởi sự cạnh tranh thực tế luôn là một cơ hội thúc đẩy chúng ta tự nhìn lại mình, kiểm tra thực lực và đặt lại hướng đi của mình, sao cho dù gặp phải đối thủ mới và mạnh, chúng ta vẫn giữ được chất lượng và uy tín với khách hàng. Được như vậy, bạn sẽ không bao giờ phải lo cạnh tranh, mà dễ dàng biến chúng thành “vũ khí” lợi hại của mình.

Cẩm Chi