Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Những thế hệ người Việt sang Đức đầu tiên: Những kiếp người cần lao!

Ảnh minh họa: pixabay.com

Thế hệ của họ không để lại những tên tuổi trứ danh trong “bảng vàng” tại xã hội Đức, nhưng họ đã tạo ra thế hệ thứ hai, thứ ba luôn có tên trong danh sách những người trẻ tiêu biểu của các trường học tại Đức.

Người Việt nổi tiếng chịu thương chịu khó. Bất kể là khi họ còn gắn bó với “bờ xôi ruộng mật”, với “con trâu đi trước cái cày đi sau” bên lũy tre làng xôn xao hương lúa mới ở những miền thôn quê, hay khi họ “ăn nằm” ngày đêm với những cỗ máy công nghiệp đồ sộ thời công nghiệp hóa; Bất kể khi họ còn chiến đấu với cái nghèo trong một gia đình đông miệng ăn những ngày vừa giải phóng, hay khi họ một mình chống chọi với cái đói – rét – cô độc – lạc lõng giữa dòng người xa lạ ở một thị thành nào đó ở nước Đức xa xôi. Ba, bốn thập kỷ qua, hàng chục ngàn người Việt, bằng đôi tay và khối óc, bằng sức chịu đựng tưởng chừng không giới hạn, đã dần hội nhập thành công với xã hội Đức – cường quốc số một châu Âu.

Đó là một gia đình chắt chiu từng cái vỏ chai nước ngọt họ nhặt được trên đường đi làm; Đó là nhiều gia đình “tắt đèn” khi trời đã quá đêm và vội “bật đèn” khi người Tây còn đang say giấc để chuẩn bị những đặc sản ẩm thực gắn liền với đất nước Việt Nam; Đó là sự tập trung, kiên nhẫn, tỉ mẫn và nhẹ nhàng của người thợ làm nail với đôi bàn tay, bàn chân của hàng trăm lượt khách; Hay thậm chí đó là những “nam thanh nữ tú” mất hết tuổi thanh xuân qua những ngày gió sương trong nhà tị nạn. Có người “khổ riết rồi quen” với những mẫu bánh mì khô khốc và cốc nước vòi uống vội cho qua ngày; Còn người thì ăn bữa trước dành phần bữa sau, rồi tặc lưỡi một cách hào sản “ăn để sống, chẳng ai sống để ăn”. Sống động hơn là những cuộc đời “lộn ngược, lộn xuôi” giữa hai miền đất cách nhau bằng đại dương mênh mông: quê hương Việt Nam và nước Đức miền đất hứa. Họ chôn giấu niềm khắc khoải, nhớ thương những bậc sinh thành; và rồi ôm lấy niềm đau, sự ray rứt khi cuộc sống cơm áo gạo tiền ngăn cản họ nhìn mẹ cha vào những thời khắc cuối. Họ xót xa nhận ra “khi đi trẻ, lúc về già; giọng quê không đổi, tóc đà khác bao; trẻ con thấy lạ không chào; tưởng rằng “khách lạ” nơi nào đến chơi” (…). Đó là những thế hệ người Việt sang Đức đầu tiên, mà đến nay hầu hết ai cũng đã bước qua lưng chừng bên kia con dốc của cuộc đời.

Chúng tôi gọi đó là “những kiếp người cần lao”!

Thế hệ của họ không để lại những tên tuổi trứ danh trong “bảng vàng” tại xã hội Đức, nhưng họ đã tạo ra thế hệ thứ hai, thứ ba luôn có tên trong danh sách những người trẻ tiêu biểu của các trường học tại Đức, thậm chí là ở khu vực Châu Âu và thế giới. Không ai trong số họ được lưu danh như những bậc vĩ nhân, nhưng họ đã và đang xây dựng nên một “thương hiệu người Việt” đáng tự hào tại vùng đất Châu Âu phồn thịnh mà chính người Đức, dù muốn hay không, cũng thán phục. Mỗi người trong số họ có thể “ăn chưa no, mặc chưa ấm”, nhưng dòng kiều hối “màu mỡ” hàng năm từ cộng đồng kiều bào Đức đổ về “đất mẹ” góp phần xây dựng nên những ngôi nhà khang trang, những gia đình sung túc rộn rã tiếng cười.

Nhân dịp Ngày Quốc tế Lao động (1-5), chúng tôi xin phép được vinh danh “những kiếp người cần lao” đã gắn bó với nước Đức để xã hội người Việt, và cả xã hội Đức trở nên phồn thịnh. Trong đó có BẠN!

THỜI BÁO VIỆT ĐỨC

Bài viết đã được đăng trên Thời báo Việt Đức số tháng 05.2017