Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Nắng nóng “kỷ lục” ở châu Âu chưa có dấu hiệu sớm chấm dứt

Ảnh minh họa: nguồn https://pixabay.com

Cũng như nhiều nước châu Âu khác, người dân Pháp đang gồng mình trong đợt nắng nóng gay gắt đầu Hè với nhiệt độ cao kỷ lục.

Hôm qua (28/6), nước Pháp ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục mới ở nước này từ trước tới nay, với nhiệt độ 45,9 độ C được ghi nhận ở miền Nam nước này. Theo Cơ quan Khí tượng thủy văn Pháp, mức nhiệt cao kỷ lục này đã được ghi nhận ở làng Gallargues-le-Montueux.

Hàng trăm trường học tại Pháp hôm qua đã phải đóng cửa trong khi các biện pháp hạn chế sử dụng nước cũng đã được áp dụng. Các chuyên gia Khí tượng thủy văn Pháp cho biết, nhiệt độ sẽ tiếp tục tăng trong ngày hôm nay ở một số nơi, trung bình dao động từ 37 độ C đến 41 độ C.

Cùng với Pháp, nhiều nước châu Âu khác như Đức, Pháp, Anh, Ba Lan và Cộng hòa Séc cũng đều ghi nhận mức nhiệt cao.

Tại Tây Ban Nha, lính cứu hỏa đang phải vật lộn với các vụ cháy rừng nghiêm trọng nhất trong vòng 20 năm qua ở Catalonia do ảnh hưởng của nắng nóng. 8 tỉnh tại Tây Ban Nha đã được đặt trong tình trạng cảnh báo đỏ khi nhiệt độ tăng trên 42 độ C. Theo một số nguồn tin, đã có một số người mất mạng do đột quỵ vì nhiệt độ tăng cao.

Tại Italia, Bộ Y tế Italy xác nhận mức độ khẩn cấp về nắng nóng tại 16 thành phố. Còn tại Anh, cảnh sát đã cảnh báo người dân nguy cơ tắm sông, hồ sau khi một bé gái 12 tuổi bị chết đuối khi tắm sông Irwell ở khu vực Greater Manchester.

Các nhà chức trách tại Đức, Hy Lạp, Bỉ, Áo, Ba Lan, Cộng hòa Séc cũng nâng cảnh báo về khả năng nhiệt độ vượt 40 độ khi các kỷ lục về tháng 6 nắng nóng nhất trong lịch sử vừa được xác lập.

Theo các nhà khí tượng học, đợt nắng đầu Hè đang hoành hành tại châu Âu là do hệ thống áp thấp trên Đại Tây Dương gây ra, khi đưa không khí nóng như thiêu đốt từ Bắc Phi vào châu Âu. Tổ chức Khí tượng thế giới nhận định, vẫn còn quá sớm khi cho rằng nắng nóng hiện nay tại châu Âu là do biến đổi khí hậu, song tình hình hiện nay đang diễn biến theo đúng xu hướng cực đoan dưới tác động của khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Phát biểu với báo giới ở Geneva, Thụy Sĩ, người phát ngôn của Tổ chức Khí tượng thế giới Clare Nullis nêu rõ: “Chúng ta không thể quy kết đợt nắng nóng đặc biệt này là do biến đổi khí hậu. Còn quá sớm để nhận định điều này. Tuy nhiên, những gì xảy ra đang trùng khớp với những dự báo về biến đổi khí hậu. Các đợt nắng nóng đang ngày càng cực đoan. Chúng sẽ đến sớm hơn và kết thúc muộn hơn”.

Mặc dù chỉ mới cuối tháng 6, song dường như Trái Đất nhiều nguy cơ sẽ trải qua 5 năm (2015-2019) nóng nhất trong lịch sử. Với nhiệt độ cao trong 5 tháng đầu năm, 2019 đã được xem là năm nóng thứ ba trong lịch sử thế giới./.

Tổng hợp

Nguồn: vov.vn