TBVĐ- Ngân hàng Trung ương Châu Âu EZB đã chính thức „khai tử“ đồng 500 Euro nhằm hạn chế tiếp tay cho các hoạt động phạm pháp như tài trợ khủng bố, rửa tiền và lao động chui.
Tuy nhiên, từ nay cho đến cuối năm 2018, đồng 500 Euro vẫn được lưu thông hợp pháp trên thị trường và được trao đổi vô thời hạn tại các ngân hàng tiền giấy quốc gia thuộc hệ thống ngân hàng châu Âu.
Chủ tịch EZB Mario Draghi cho rằng, đồng tiền có mệnh giá cao nhất thế giới này là công cụ cho các hoạt động phi pháp do dễ vận chuyển và khó phát hiện. Thật vậy, trên thực tế, đồng 500 chủ yếu được dùng để lưu trữ, ít khi được dùng để giao dịch. Đa số người dân bình thường chưa từng cầm trên tay tờ 500 Euro.
Theo EZB, đồng 500 Euro chỉ chiếm 3% tổng số tiền giấy đang được lưu hành nhưng chiếm đến 28% giá trị. Số lượng ít nhưng giá trị rất cao. Hiện có trên 600 triệu tờ tiền 500 Euro trên thị trường. Đồng Euro mệnh giá cao nhất này được in lần cuối vào năm 2014. Ước tính sẽ tốn ít nhất 500 triệu Euro cho việc in thêm các tờ tiền mệnh giá ít hơn để thay thế đồng 500 Euro, ngoài ra còn thêm chi phí hàng trăm triệu Euro cho việc vận chuyển.
Quyết định của EZB gây ra nhiều dư luận trái chiều. Chủ tịch Ngân hàng Liên bang Carl-Ludwig Thiele lập luận, tội phạm không nhất thiết sử dụng đồng 500 Euro. Sau khi loại bỏ đồng 500 Euro, tội phạm hình sự có thể sẽ gặp khó khăn hơn, nhưng không vì thế mà giảm đi. Tại các quốc gia có tiền giấy mệnh giá nhỏ hơn như Mỹ, tội phạm hình sự cũng không ít hơn. Mệnh giá cao nhất tại cường quốc này chỉ là 100 USD.
Đại biểu Quốc hội châu Âu, ông Fabio de Masi cho rằng, khủng bố, tội phạm mua bán ma túy, mafia không rửa tài sản bằng tiền mặt, mà thông qua hệ thống ngân hàng chính thức với sự hỗ trợ của các công ty ma Tarnfirma và người rơm. Một số nhà phê bình cho rằng, việc loại bỏ đồng 500 Euro là khởi đầu của việc xóa bỏ lưu hành tiền mặt. Khi đó, những giao dịch lớn phải chuyển khoản. Nhà nước có thể nắm được mọi thông tin giao dịch như ai chuyển cho ai bao nhiêu tiền cho mục đích gì.
Hiện nay, một số quốc gia đã áp dụng ngưỡng giao dịch tiền mặt: Từ 2012: Tây Ban Nha: 2500 Euro; Slowakei: 5000 Euro; Đan Mạch: 10.000 Kronen. Từ 2013: Litau: 2900 Euro. Từ 2014: Bỉ: 3000 Euro khi mua vàng; Từ 2015: Pháp: 1000 Euro; Rumani: 1100 Euro.
Tại Đức, Bộ trưởng Tài chính đề xuất ngưỡng 5000 Euro. Giao dịch vượt quá các ngưỡng trên phải chuyển khoản. Tại Thụy Điển, từ nhiều năm nay gần như không sử dụng tiền mặt. Max Otte, một nhà khoa học kinh tế phản đối việc xóa bỏ đồng 500 Euro với lập luận, nếu không có tiền mặt, chúng ta sẽ trở thành con tin của các ngân hàng.
Tiền mệnh giá lớn càng ít, khoản tiền người dân được giữ cũng ít đi. Nếu họ không thể rút tiền, đồng nghĩa ngân hàng sẽ không bao giờ bị phá sản. Đó là một hiệu ứng phụ của việc giới hạn tiền mặt. Khi có khủng hoảng, hệ thống ngân hàng sẽ được hỗ trợ. Do ít tiền mặt có nghĩa khả năng bỏ trốn cũng ít. Xóa bỏ hoàn toàn tiền mặt sẽ khiến con người phụ thuộc vào chính sách cứu trợ.
Tuy nhiên, cũng có lập luận chống lại ý kiến cho rằng động cơ đằng sau của việc „khai tử“ đồng 500 Euro là cứu ngân hàng: Nếu muốn bảo vệ ngân hàng, có thể áp dụng quy định kiểm soát vốn và giới hạn tiền rút ra. Cách này nhanh chóng và hiệu quả hơn nhiều so với việc từng bước loại bỏ tiền mặt.
Một số nhà phê bình lại cho rằng nguyên nhân khác đằng sau quyết định của EZB là ý định tăng lãi suất âm mà các ngân hàng phải trả từ tháng 7.2014. Xóa bỏ đồng 500 Euro khiến các ngân hàng không thể tích trữ tiền mặt mà bắt buộc trả lãi suất huy động Einlagezinsen âm ở EZB. Nếu lãi suất âm áp dụng cho những người gửi tiết kiệm bình thường, họ sẽ lập tức rút hết tiền và cất trong nhà. Do đó, EZB muốn xóa bỏ dần dần tiền mặt để ngăn cản điều này.
Văn Sự (tổng hợp)
Hãy nhấn “Thích Trang” và “Chia sẻ” bên dưới để mọi người có nhiều thông tin về pháp luật, các chế độ chính sách đối với người nước ngoài ở Đức trên trang Facebook của bạn!