Trong lúc BMW, Daimler và Volkswagen – các “đại gia” trong ngành công nghiệp sản xuất xe hơi của Đức – còn đang tìm cách “thích nghi” với ô tô điện thì những chiếc xe điện Tesla của Mỹ đã lăn bánh trên các con đường ở nước Đức và đặt ra thách thức không nhỏ đối với ngành công nghiệp được xem là một trong những biểu tượng của quốc gia châu Âu này.
Xu thế của tương lai
Đầu năm nay, ông Karl-Thomas Neumann, Giám đốc điều hành (CEO) của Opel, dự tính thực hiện một cuộc cách mạng nhỏ trong sản xuất, chuyển đổi các sản phẩm ô tô của hãng Opel từ động cơ đốt trong sang động cơ chạy bằng điện.
Ô tô chạy điện của hãng Opel được thiết kế tại Trung tâm Nghiên cứu và phát triển của hãng này ở TP Rüsselsheim và hướng đến thị trường toàn cầu. Vào thời điểm đưa ra kế hoạch trên, ông Neumann tin rằng động cơ đốt trong sắp hết thời và hy vọng có thể mang đến công nghệ mới cho ngành công nghiệp ô tô của Đức.
Ý tưởng trên của ông Neumann xuất phát từ một vấn đề cấp thiết là Opel sản xuất các dòng ô tô sử dụng động cơ đốt trong phải đáp ứng được các yêu cầu về tiêu chuẩn khí thải ngày càng nghiêm ngặt.
Xe của Opel đã vượt quá tiêu chuẩn khí thải cho phép và ông Neumann muốn biến thách thức về khí thải thành cơ hội để bắt đầu với động cơ điện. Nhưng rồi tham vọng về xe điện Opel sụp đổ khi công ty mẹ General Motors của Mỹ bán Opel cho PSA (Pháp), sau khi thua lỗ trong kinh doanh tại thị trường châu Âu.
Ông Neumann giờ không còn làm cho Opel nhưng ông tin rằng nhận định của mình vẫn đúng. Ngày càng có nhiều quốc gia trên thế giới có kế hoạch khai tử ô tô sử dụng công nghệ động cơ đốt trong.
Anh và Pháp muốn cấm xe chạy bằng nhiêu liệu xăng và diesel từ năm 2040, trong khi Na Uy sẽ làm điều tương tự vào năm 2025. Trung Quốc cũng sẽ áp dụng hạn ngạch bán hàng tối thiểu xe ô tô điện vào năm 2018. Một khảo sát mới đây cho hay, 60% khách hàng mua ô tô ở thị trường Trung Quốc sẽ chọn ô tô điện làm phương tiện di chuyển…
Nhiều thập kỷ qua, ngành công nghiệp ô tô Đức luôn duy trì được nhịp tăng trưởng nhanh, mạnh nhờ những sản phẩm chạy bằng động cơ diesel và xăng.
Năm 2016, doanh số bán xe của các hãng BMW, Daimler và Volkswagen là 552 tỷ USD, lợi nhuận khoảng 35 tỷ USD. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này đang vấp phải thách thức sau xì căng đan gian lận khí thải của Volkswagen.
Sau thông tin 3 hãng lớn của ngành công nghiệp ô tô Đức thông đồng với nhau sử dụng công nghệ gian lận khí thải bị tạp chí Spiegel phanh phui hồi tháng 7, nhiều khả năng BMW, Daimler và Volkswagen sẽ còn phải đối mặt với rắc rối về pháp lý hơn nữa.
Các nghi vấn xung quanh việc 3 nhà sản xuất của Đức bắt tay nhau còn khiến các dự án hợp tác chung về xe tự lái gặp nhiều khó khăn. Trước sức ép phải đáp ứng các tiêu chuẩn về khí thải, có thể nói, ô tô điện thân thiện với môi trường là xu thế của tương lai. Chưa bao giờ, ngành công nghiệp ô tô của Đức phải đối diện với sức ép lớn như hiện nay.
Đến lúc thức tỉnh
Xì căng đan khí thải làm khó ngành công nghiệp ô tô Đức chỉ một phần và điều ông Neumann lo ngại hơn là sự bảo thủ của ngành công nghiệp sản xuất ô tô Đức.
Các nhà sản xuất, trong đó có BMW, Daimler và Volkswagen đã đánh giá thấp xung lực của sự thay đổi. Họ đang thỏa mãn trên đỉnh vinh quang và quên đi việc phát triển những mẫu xe mới. Nhiều công ty vẫn tỏ thái độ hoài nghi ô tô điện.
Những ý kiến phản đối cho rằng, xe chạy bằng điện gặp phải các các vấn đề như phạm vi di chuyển ngắn, giá thành cao và cả sự thân thiện với môi trường.
Tuy nhiên, theo cựu CEO của Opel, sự xuất hiện của thương hiệu ô tô điện Tesla tại Đức thực sự là hồi chuông báo động với ngành công nghiệp ô tô nước này.
Thành lập vào năm 2003 tại Mỹ, đến nay, Tesla đã có được điều mà các nhà sản xuất của Đức không thể thực hiện trong nhiều năm qua khi sản xuất xe điện được nhiều khách hàng mơ ước.
Hiện hơn 450.000 khách hàng trên toàn cầu đã đặt mua trước mẫu xe mới nhất Tesla 3. Hiện công ty của Mỹ nhận được 1.800 đơn đặt hàng/ngày.
Cuộc khủng hoảng khí thải đang tạo thuận lợi cho Tesla và công ty của Mỹ hiểu được rằng đây là thời điểm để họ chen chân vào thị trường Đức, nơi đa số người dùng chỉ biết đến BMW, Daimler và Volkswagen. Doanh số bán hàng tại Đức của Tesla trong nửa đầu năm 2017 đã tăng gấp đôi với 2.000 xe, một con số được đánh giá rất ấn tượng.
Tesla đã chi mạnh tay cho khâu marketing, quảng bá sản phẩm với thông điệp: “Tesla không quan tâm nhiều đến doanh số bán xe bằng việc sử dụng năng lượng của thế giới”.
Hay có thể hiểu rằng, khách hàng chọn sản phẩm của Tesla để bảo vệ Trái đất và môi trường sống của con người. Các chuyên gia kinh tế cho rằng trên thực tế, nhà sáng lập Tesla Elon Musk vẫn theo đuổi mục tiêu tiên quyết là lợi nhuận nhưng thông điệp mà Elon Musk đưa ra thuyết phục hơn nhiều so với các nhà sản xuất ô tô Đức, những người còn lưỡng lự giữa động cơ chạy điện và động cơ đốt trong với quan điểm “còn lâu động cơ diesel mới hết thời”.
Một bài học tiêu biểu về sự bảo thủ, đánh giá thấp sự phát triển công nghệ dẫn đến thất bại là ngành công nghiệp điện thoại di động. Các nhà sản xuất điện thoại di động như Nokia và Blackberry từng ngự trị trên đỉnh cao trong một thời gian dài, nhưng chính sự thành công đó khiến họ chậm chạp trong việc thay đổi. Những đối thủ cạnh tranh mới, sáng tạo hơn đã biết nắm bắt các công nghệ mới để “hất cẳng” Nokia và Blackberry ra khỏi thị trường.
Chính vì vậy, theo ông Neumann, ngành công nghiệp ô tô Đức cần phải rũ bỏ sự bảo thủ và phải chấp nhận một thực tế thời của động cơ đốt trong sắp lụi tàn.
“Có thể ngành ô tô Đức vẫn hái ra tiền với động cơ đốt trong trong vài năm nữa nhưng đã đến lúc phải phát triển nhiều loại động cơ khác. Hãy dùng tiền để đầu tư vào động cơ chạy điện”, ông Neumann nói.
Cựu CEO cũng cảnh báo nếu không tự đổi mới mình, ngành công nghiệp ô tô Đức sẽ bị vượt mặt bởi các đối thủ đến từ Trung Quốc và Mỹ.
Trên thực tế, BMW đang cố gắng tạo sự cân bằng trong hoạt động sản xuất. Công ty này muốn tiếp tục bán các sản phẩm chạy bằng động cơ xăng, diesel đồng thời với việc phát triển xe ô tô chạy bằng điện.
BMW đã công bố 25 mẫu xe chạy điện, tuy nhiên lại gặp thách thức đến từ chi phí khởi động sản xuất quá lớn. Đến nay, BMW đã đầu tư hàng chục tỷ USD vào việc phát triển ô tô chạy điện và đặt cược vào tương lai của dòng xe này.
Một số công ty khác cũng có sự chuẩn bị cho xu thế ô tô của tương lai nhưng còn khá nửa vời. Cuối năm 2016, Daimler, Ford, BMW và Volkswagen thông báo về dự án chung phát triển các trạm sạc điện nhanh.
Theo kế hoạch, giai đoạn đầu tính từ năm 2017, khoảng 400 trạm sạc điện sẽ có mặt trên khắp châu Âu. Tuy nhiên, 9 tháng kể từ sau thông báo trên, số trạm sạc điện vẫn dừng lại ở con số 0 tròn trĩnh.
Trong khi đó, Tesla đã cho lắp đặt hơn 6.300 trạm sạc điện “siêu nhanh” trên toàn thế giới và con số này dự kiến sẽ tăng lên 10.000 vào cuối năm nay.
Theo Đỗ Cao (tổng hợp) / sggp.org.vn