Ngày ra trường đã lùi xa, nhưng hình ảnh về các thầy cô và mái trường thân yêu năm xưa, những ký ức tuyệt vời sẽ mãi mãi đồng hành cùng năm tháng.
Sau giờ học cuối ngày của buổi đầu đông 1983, tôi và các bạn trên những chiếc xe đạp cà tàng đang từ từ chậm lại, dưới những tia nắng sớm ban trưa tiết trời se se lạnh, trên con dốc trước bến xe số 2 Tô Hiệu. Những chiếc xe Ba Đình cũng vừa dừng bánh để nghỉ trưa và đưa đón khách. Xen lẫn trong dòng người tấp nập lên xuống trên những chiếc xe ca, là một thiếu nữ mới chừng ngoài 20 tuổi, với mái tóc ngắn trong chiếc áo sẫm màu theo trang phục miền xuôi, một kiểu mốt thường gặp nơi chốn thị thành.
Chúng Tôi và những người xung quanh không khỏi đánh mắt nhìn theo sự khuất dần của người „khách“ ấy. Đi ngược về phía cổng trường, và sẽ vinh dự cho nhà ai được đón chào người „khách lạ“ này. Hình ảnh người „khách“ chỉ lắng đọng với chúng tôi trong khoảnh khắc và sẽ chỉ để lại sau lưng khi những chiếc xe đạp dần dần đi vào khuất nẻo.
Sáng hôm sau trước giờ vào học, các bạn trong lớp tôi đang xôn xao trầm trồ bàn tán về sự xuất hiện của người thiếu nữ mà chúng tôi đã gặp hôm qua lại vừa xuất hiện trước sân trường. Tiếng trống vang lên báo hiệu giờ vào học bắt đầu. Giờ học đầu tiên hôm ấy là giờ Văn, do Cô Cẩm tạm thời phụ trách. Lúc bấy giờ do thiếu Giáo viên nên thường hay thay đổi. Cả lớp đang ồn ào như đàn chim vỡ tổ, thì thầy Thầy chủ nhiệm dạy môn toán cùng người „khách lạ“ bước vào. Các Bạn trong lớp không khỏi xôn xao và lo lắng rồi xì xào to nhỏ: Đứa nào hôm nay chưa làm bài tập chắc sẽ „no đòn“, bởi thầy tôi nổi tiếng là người rất nghiêm khắc.
Cả lớp đứng dậy chào thầy như thường lệ, nhưng trái với sự nghiêm nghị thường ngày, thầy tươi cười vui vẻ, ra hiệu cho phép chúng tôi ngồi xuống. Rồi thầy giới thiệu với chúng tôi: „Cô Xuân là giáo viên mới ra trường sẽ đảm nhận dạy lớp tôi môn Văn thay cho Cô Cẩm“. Rồi Thầy bước ra nhường lại cho Cô Xuân, vị „khách lạ“ hôm qua, giờ đầu tiên trên bục giảng.
Giờ học hôm ấy với chúng tôi thật vui vẻ và thoải mái, vì được làm quen và sẽ là những học sinh đầu tiên của Cô trong sự nghiệp „làm thầy“. Đó là một giờ học khó quên và lắng sâu trong ký ức của tuổi học trò trong mỗi chúng tôi.
Sau một thời gian ngắn thì lớp tôi lại một lần nữa vinh dự được cô Xuân đảm nhận vai trò giáo viên chủ nhiệm. Thời gian cứ dần trôi. Sau khoảng một năm thì những bài Văn viết của tôi có phần tiến bộ. Trong những lần nhà trường có dịp chào mừng sự kiện nào đó thì Cô giao cho tôi viết bài xã luận, một bài viết không thể thiếu về phong trào trường lớp trên các bản báo tường. Ban đầu rất lo lắng, nhưng về sau tôi nhận thức rằng đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là vinh dự khi được cô giao phó.
Vào năm cuối cấp, cô Xuân thường khuyên tôi nên cố gắng tập trung trau dồi ngôn ngữ vào các bài viết để đăng ký thi khối C, chắc sẽ có nhiều cơ hội để bước chân vào các giảng đường đại học. Nhưng chẳng hiểu trời khiến thế nào mà tôi lại chọn khối A. Mặc dù đã cố gắng hết khả năng nhưng kết quả không được như mong muốn và thất bại nặng nề.
Nhìn các bạn lên xe bước chân vào cổng của các trường đại học với tương lai tươi sáng rạng ngờ, thì trong tôi lại bùi ngùi trào dâng sự nuối tiếc. Các bạn thì ra đi, còn tôi thì ngậm ngùi quay về với Lân Khinh – nơi rừng sâu ngút ngàn gió núi.
Sau mấy năm trời vất vả vật lộn lang thang rong ruổi khắp mọi nẻo đường, từ rừng xanh khe suối đến những trốn phồn hoa đô thị. Đến tháng 8-1988, tôi may mắn nhận được quyết định đi hợp tác quốc tế về lao động và định cư tại Đức cho tới ngày nay.
Thấm thoắt 30 năm đã trôi qua. Hè năm 2016 tôi và gia đình có dịp về thăm quê hương. Thăm các thầy cô, bạn cùng lớp và mái trường thân yêu năm xưa. Trong niềm vui hân hoan của ngày gặp mặt sau 30 năm ngày rời ghế nhà trường, thì cũng là ngày mà cô Xuân rời bục giảng, hoàn thành trọng trách vinh quang của sự nghiệp “trồng người”. Để lại sau lưng với bảng đen và phấn trắng và nụ cười hiền lành tuổi thơ. Sự nuối tiếc với bao thế hệ học trò, sẽ như người nghệ sĩ khi phải rời xa ánh đèn sân khấu, để lại trong khán giả thân thương trĩu nặng luyến lưu.
Kính chúc cô,Thầy và Gia đình mạnh khỏe hạnh phúc. Hình ảnh “Người thầy” trẻ trung và can đảm năm xưa đã tình nguyện rời bỏ miền quê yên ả thanh bình từ đồng bằng, quê hương Nhãn lồng ngọt lịm, để đến với núi rừng Lạng Sơn, nơi biên cương địa đầu của tổ quốc, lúc chiến sự vẫn ngày đêm rình rập cận kề. Mang kiến thức và văn hóa miền xuôi lên phổ cập cho con em các dân tộc của đồng bào miền ngược. Sẽ mãi mãi lắng sâu trong ký ức của mỗi thê hệ học trò đã từng ngồi dưới mái trường Bình Gia thân yêu sẽ không bao giờ phai nhạt!
VAN DAT TRUONG (Döbeln năm 2017)