Gần một thập niên kể từ vụ bê bối sữa “bẩn” khiến 6 trẻ em thiệt mạng, người tiêu dùng Trung Quốc vẫn chưa hết lo ngại về chất lượng các sản phẩm sữa bột nội địa.
Theo một báo cáo nghiên cứu thói quen tiêu dùng do công ty tư vấn McKinsey thực hiện mới đây, có 53%, trong số 10.000 người từ 44 tỉnh ở Trung Quốc, cho biết họ tin dùng các nhãn hiệu sữa bột nhập khẩu hơn là sử dụng sữa bột của các nhà sản xuất trong nước. Nhu cầu sử dụng sữa bột được dự kiến sẽ còn tăng lên nữa sau khi Trung Quốc nới lỏng chính sách một con.
Trong tổng số 17 nhóm thực phẩm (chiếm hơn một nửa tổng lượng sản phẩm bán lẻ của Trung Quốc), mà nghiên cứu của McKinsey tiến hành khảo sát, có 9 loại thực phẩm mà người dùng Trung Quốc đặt niềm tin vào các nhãn hiệu nội địa như thực phẩm tươi sống, gia cầm, chất tẩy giặt và bia. Trong khi đó, sữa bột và rượu vang là hai loại thực phẩm duy nhất mà hơn phân nửa số người trả lời cho biết họ sẽ lựa chọn nhãn hàng nhập khẩu.
Giải thích về nguyên nhân sữa bột nước ngoài chiếm ưu thế, ông Daniel Zipser, giám đốc công ty McKinsey cho rằng vụ bê bối sữa bột khiến 6 trẻ em thiệt mạng ở nước này năm 2008 vẫn là “mối lo hàng đầu trong tâm trí của hầu hết người tiêu dùng”, theo tờ Quartz.
Năm 2008, Trung Quốc chấn động với vụ bê bối “sữa bẩn” nhiễm melamine, một hợp chất hóa học độc hại, do công ty Sanlu Group sản xuất. Ít nhất 6 trẻ em thiệt mạng và khoảng 300.000 trẻ khác bị ảnh hưởng đến sức khỏe do sử dụng các sản phẩm bẩn này.
Việc doanh số của các nhãn sữa bột trong nước tụt dốc cũng cho thấy niềm tin ngày càng giảm của người tiêu dùng Trung Quốc về các sản phẩm nội, khi mà lo ngại về vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn là vấn đề nóng, theo số liệu điều tra từ Trung tâm Nghiên cứu Pew của Mỹ.
Trung Quốc thời gian qua đã tăng cường các quy định an toàn sau các vụ bê bối liên quan đến vệ sinh thực phẩm, như thông qua luật mới về phụ gia thực phẩm vào năm 2009. Trong năm 2013, chính phủ nước này cũng thành lập Tổng cục Giám sát và Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm quốc gia (CFDA) để quản lý các sản phẩm. Nhưng theo Quartz, nỗi sợ hãi thực phẩm bẩn khiến cho việc xây dựng lại niềm tin của người tiêu dùng với các sản phẩm trong nước trở nên khó khăn hơn.
Hồi tháng 4 năm ngoái, giới chức Thượng Hải bắt giữ 9 người liên quan đến việc làm giả 17.000 hộp sữa giả, với nhãn mác trên lon sữa giống như sản phẩm sữa bột trẻ em Similac của Mỹ và sữa bột trẻ em Beingmate, một trong những hãng sữa lớn nhất Trung Quốc. Vụ việc làm dấy lên tranh cãi và lo lắng cho những người tiêu dùng đang sử dụng những sản phẩm sữa này.
Tại cuộc họp báo hồi tháng 2 năm nay, lãnh đạo CFDA Bi Jingquan khẳng định việc quản lý nghiêm ngặt lại các thương hiệu sữa bột là một trong những mục tiêu quan trọng nhất của cơ quan này. CFDA đã đưa ra một quy định mới yêu cầu các nhà sản xuất sữa bột phải đăng ký sản phẩm, cũng như giới hạn số lượng sản phẩm mà một công ty có thể sản xuất.
Các quy định này có hiệu lực từ tháng 1 và được cho là sẽ làm giảm mạnh số lượng nhãn hiệu sữa bột pha sẵn trong nước. Nhiều người tiêu dùng cũng lo ngại quy định mới có thể khiến cho các nhà sản xuất sữa bột nhỏ lẻ ở nước ngoài cảm thấy e ngại khi nhập khẩu sản phẩm vào Trung Quốc.
Trung Quốc hiện tại có khoảng 93 hãng sản xuất sữa bột, trong đó có 70 hãng nội địa với gần 600 nhãn hiệu sản phẩm sữa bột dành cho trẻ em được đăng kí. Theo một quan chức cấp cao của cơ quan quản lý đăng kí thực phẩm Trung Quốc, các thông tin này sẽ được chia sẻ cho các lực lượng thanh tra trong thời gian tới để tiến hành rà soát, kiểm tra, cũng như kịp thời xử lý nếu phát hiện sai phạm.
Theo An Miên / plo.vn