Ngày 9-1, theo hãng tin Deutsche Welle, thống kê từ Cơ quan Bảo vệ biên giới châu Âu (Frontex) cho biết trong năm ngoái, số người nhập cư bất hợp pháp vào các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã giảm 13%, xuống còn khoảng 124.000 người, thấp nhất kể từ năm 2013.
Chọn tuyến đường mới
Theo Frontex, nguyên nhân là do đại dịch Covid-19 hoành hành đã khiến nhiều nước EU siết chặt quản lý việc đi lại xuyên biên giới cũng như tăng cường kiểm soát lãnh hải. Tuy nhiên, trong khi con số nhập cư bất hợp pháp về tổng thể giảm, thì lại có sự gia tăng lượng người nhập cư trái phép lựa chọn tuyến đường vào EU qua ngả Tây Phi, Trung Địa Trung Hải và Tây Balkan. Phần lớn những người di cư tìm cách vào EU là người Syria, Tunisia, Algeria và Morocco.
Trong năm 2020, số người nhập cư bất hợp pháp lựa chọn tuyến đường phía Đông Địa Trung Hải và Tây Địa Trung Hải có sự sụt giảm mạnh. Tuyến đường qua phía Đông Địa Trung Hải qua Hy Lạp giảm mạnh nhất khi chỉ có 20.000 người, giảm hơn 75% so với năm ngoái. Hướng Tây Địa Trung Hải giảm 29% còn 17.000 người.Trong khi đó, số người lựa chọn tuyến đường qua khu vực phía Trung Địa Trung Hải lại tăng gấp 3 lần so với năm 2019, với hơn 35.600 người di cư bị phát hiện trong năm 2020. Cùng với tuyến đường qua khu vực phía Trung Địa Trung Hải, tuyến đường qua khu vực quần đảo Canary của Tây Ban Nha cũng ghi nhận số người nhập cư bất hợp pháp tăng kỷ lục trong năm 2020 với hơn 22.600 người, hơn 8 lần so với năm 2019.Ngoài ra, số lượng người di cư trên tuyến đường Tây Balkan cũng tăng 75%, lên khoảng 27.000 người. Cũng trong năm ngoái, hơn 9.500 người di cư đã tìm cách vượt eo biển Manche để từ Pháp vào Anh, cao gấp 4 lần so với năm 2019.
Hơn 3.000 người thiệt mạng
Trong khi đó, báo cáo về người di cư trái phép của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), cho biết trong năm ngoái, có 3.174 trường hợp thiệt mạng, giảm so với 5.327 người trong năm 2019. Nhưng IOM cũng nhấn mạnh, việc giảm số người di cư trái phép thiệt mạng không phải là dấu hiệu cho thấy số người thiệt mạng thực sự đã giảm vào năm 2020. Nguyên nhân chính là do dịch Covid-19 đã hạn chế khả năng của IOM trong việc đối chiếu dữ liệu về số người chết trong quá trình di cư và giám sát các tuyến đường cụ thể.
Những con số thống kê trên cho thấy thực tế rằng, vấn nạn nhập cư trái phép tại EU vẫn còn hiện hữu. Tỷ lệ nhập cư trái phép về tổng thể có giảm nhưng việc đổi tuyến đường mới để nhập cảnh dễ dàng hơn là một thực trạng đáng báo động, nhất là khi tình trạng này diễn ra trong bối cảnh chưa kiểm soát được dịch bệnh.Việc thiếu các cuộc đàm phán trực tiếp do dịch Covid-19 cũng đang ảnh hưởng tới tiến trình thảo luận một hiệp ước mới về di cư và tị nạn giúp giải quyết tình trạng nhập cư trái phép kéo dài trong những năm gần đây. Theo Bộ trưởng Nội vụ EU Johansson, các cuộc thảo luận rất khó đạt kết quả thực chất khi không có đàm phán trực tiếp, dù cách tiếp cận về vấn đề di cư của các nước thành viên EU đã mang tính xây dựng hơn nhiều so với năm 2015 và 2016.
Tháng 9-2020, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất một hiệp ước mới về di cư và tị nạn nhằm xử lý những vấn đề phức tạp thông qua việc hiện đại hóa kiểm soát biên giới ngoài khối. Mỗi năm, EC sẽ xem xét và đưa ra con số người nhập cư phải tiếp nhận dựa trên tính toán về sức mạnh kinh tế, dân số và năng lực thực tế của từng thành viên.Quy định mới được cho là sẽ giải tỏa tình trạng bế tắc lâu nay, khi một số nước EU phản đối quy chế phân bổ tiếp nhận người tị nạn vì nó cứng nhắc và thiếu công bằng. Tuy nhiên, để được thông qua, hiệp ước này cần nhận được sự nhất trí của cả 27 nước thành viên EU và Nghị viện châu Âu
Theo Thanh Hằng / sggp.org.vn