TBVĐ- Nhiệt độ dần tăng cao và những tháng mùa hè đang đến gần. Ai cũng mong đợi lại có thể ra ngoài dạo chơi nhiều hơn, hò hẹn, tụ tập bạn bè nướng thịt, tổ chức những buổi picknick.
Tuy nhiên, nướng thịt ngoài trời dù trong vườn hay khu dân cư không phải chỉ cần cứ nhà riêng hoặc được chủ nhà cho phép là chúng ta “vô tư đi” được. Dưới đây, TBVĐ xin tổng hợp một số điều cần chú ý khi nướng thịt ngoài sân vườn, nhà riêng hoặc công viên tại Đức.
Mức phạt và cách nướng thịt an toàn
Trên phương diện luật pháp, mỗi tiểu bang tại Đức lại có những qui định và mức xử phạt hành chính riêng cho việc “châm lửa trái phép” (tiếng Đức là “illegal Feuer machen”), trong đó bao gồm cả việc đốt lò nướng thịt tại những nơi công cộng. Mức tiền phạt đa số từ 75 Euro đến 2.500 Euro. Đặc biệt nếu châm lửa tại những khu bảo tồn thiên nhiên hoặc công viên, mức phạt càng nặng hơn.
Trên nguyên tắc, công viên là nơi dành để đi dạo, vui chơi chạy nhảy, đôi khi có thể chơi đá bóng, đánh cầu lông … nhưng thông thường các thành phố cấm nướng thịt tại đây. Tuy nhiên, vào mùa hè, ban quản lý các công viên sẽ dành ra một vài khu vực cho việc nướng thịt. Đó là những khu vực có biển báo “Grillzone” và sẽ có các qui định sử dụng đặc biệt. Bởi nếu cho phép nướng thịt khắp nơi trong công viên thì e là chỗ nào cũng sẽ bị khói và mùi, ảnh hưởng đến cả những người chỉ muốn vào đi dạo.
Để tránh gây ra hỏa hoạn khi nướng thịt trong công viên nói riêng hoặc ngoài trời nói chung, cần lưu ý sử dụng lò nướng đủ độ cao, ít nhất cao từ 30 cm trở lên so với mặt đất, ví dụ nếu có cỏ khô hoặc cành cây khô nằm ở dưới thì rất nguy hiểm. Ngoài ra, Hiệp hội nghiên cứu phòng chữa cháy bỏng của Đức (Deutsche Gesellschaft für Verbrennungsmedizin) cũng khuyến cáo rằng: Nướng thịt ngoài trời hay bất cứ ở đâu cũng không nên dùng chất đốt dạng cồn thể lỏng hoặc gel, vì nó có thể rơi rớt ra khu vực xung quanh lò nướng, lan cháy xa. Thậm chí nếu đổ thêm chất đốt vào lò sau khi châm lửa, lửa sẽ dễ dàng bùng lên và gây cháy sang cả những người đứng xung quanh.
Mỗi năm, tại Đức có hơn 4.000 vụ tai nạn xảy ra khi nướng thịt, trong đó khoảng 400 vụ nạn nhân bị bỏng nặng là trẻ em. Vì thế, không cho phép trẻ em chơi hoặc đến gần lò nướng, phải cách xa ít nhất là 3 mét, bởi người lớn cao hơn và phản ứng cũng nhanh hơn, gặp lửa nhỏ bùng lên còn có thể tránh kịp. Nhưng trẻ em thấp và hay tò mò, đôi khi thích nhòm lên trên lò nướng, chỉ cần một ngọn lửa nhỏ cũng dễ bị bắt cháy.
Nếu chẳng may quần áo trên người bị bắt lửa, nạn nhân ngay lập tức phải nằm xuống đất và lăn tròn để dập lửa. Không được dập lửa bằng nước khi đã nướng thịt trên đó, vì trong lửa có mỡ từ thịt rớt xuống. Lúc này dùng nước thì lửa sẽ càng bùng cao, mà phải dùng chăn dập lửa đậy lại, rút đi không khí lửa sẽ tự tắt. Sau bữa tiệc nướng, không được đổ ngay than còn đang nóng vào thùng rác vì dễ gây hỏa hoạn, phải đợi than nguội hẳn mới được vứt bỏ.
Một điều cần lưu ý nữa là dù nướng thịt tại nhà riêng hoặc nhà thuê với sự đồng ý của chủ nhà, cũng không được để ảnh hưởng đến người khác. Ví dụ nếu xung quanh có nhà dân và bị khói bay vào phòng, họ được phép gọi cảnh sát đến dẹp, thậm chí xử phạt người nướng thịt. Mức phạt từ 10-200 Euro.
Bài toán rác thải
Vào mùa nướng thịt ngoài trời, rác bị vứt khắp nơi, đặc biệt trong công viên hay những bãi bồi gần sông hồ, thậm chí nhiều khu đất trống trong rừng, trên những thảm cỏ tại khu vực cho phép nướng thịt. Không những làm mất đi vẻ đẹp cảnh quan, mà dưới nhiệt độ cao còn gây mùi hôi thối, khó chịu. Túi đựng thịt hoặc thức ăn thừa còn là “mồi nhử” đối với những loài động vật như cáo, quạ, chuột cống. Một số thành phố cho nhân viên đi thu rác vài lần mỗi ngày nhưng không xuể.
Theo bà Bettina Hellenkamp, phát ngôn viên của Các doanh nghiệp thu gom và xử lý rác thải (Entsorgungsbetriebe) tại thành phố Essen, đã bức xúc khi chia sẻ với báo Westdeutsche Allgemeine Zeitung (WAZ) rằng: “Chúng tôi không có vấn đề gì với đống rác, mà vấn đề phải đối mặt ở đây là nạn xả rác. Mọi người tới các công viên ăn uống xong và cứ việc vứt lại mọi thứ. Chúng tôi giống như đội cứu hoả chạy theo sau để làm công tác cấp cứu vậy.” Bà đề nghị cần có biện pháp cứng rắn hơn để xử lý và phòng chống ngay từ đầu.
Tuy nhiên, các thành phố đều gặp khó khăn trong vấn đề cấm nướng thịt và xả rác. Một là dân cư nhiều nơi đông đúc, nhà ở chật hẹp, thành phố muốn tạo điều kiện cho người dân có thêm không gian thư giãn, giải trí, cũng là cách làm cho môi trường thành phố thú vị và đáng sống hơn. Mặt khác, các thành phố lại không đủ tài chính để tăng thêm nhân lực làm công tác kiểm tra, nên biện pháp cấm đoán khó thực hiện.
Tại Dresden, trên dọc tuyến đường dành cho xe đạp bên sông Elbe đã có tổng cộng 12 container chứa rác ngầm trong lòng đất. Như phát ngôn viên của thành phố Dresden, ông Karl Schuricht, trao đổi với báo Dresdner Neueste Nachrichten (DNN) thì các container này có sức chứa tới 800 lít và sẽ được thu dọn 2 tuần/lần. Ông cũng nhấn mạnh rằng, các thành phố vẫn nên cho phép người dân được nướng thịt ở một vài điểm công cộng, có biển báo rõ ràng, nhưng cần lưu ý các biện pháp phòng cháy chữa cháy, các vấn đề phát sinh khi nhiều đội cùng muốn nướng thịt tại một điểm, những ảnh hưởng đối với dân cư xung quanh, vấn đề vệ sinh môi trường v.v… Không đơn giản, nhưng đáng làm! Cho đến ngày 31-07-2017, Dresden đã xử phạt hành chính tổng cộng 387 vụ nướng thịt trái phép, trong đó chỉ riêng tháng 7 đã phạt 77 vụ.
Rác thải bừa bãi không đúng qui định nếu bị bắt gặp sẽ xử phạt hành chính từ mức 10-40 Euro (cho các loại rác thường như đĩa giấy, cốc nhựa, khăn giấy, bao thuốc lá, vỏ trái cây, rau dưa, kể cả nước rửa bát …), đến vài trăm Euro (cho các loại rác đặc biệt như chai/mảnh thuỷ tinh, chất lỏng hoá học, cồn châm lửa …).
Cẩm Chi