Mai phục tiếp: Thuế vụ ngờ vực lên đỉnh điểm, nên 1 tháng sau họ cho 2 nhân viên tới ngồi ăn trưa 30 phút quan sát mật độ thực khách. Họ đếm được 15 thực khách đang ăn, 10 thực khách tới mua mang về ít nhất 1 suất, và 2 người mua tới 3-4 suất. Tổng cộng có 27 thực khách trong 30 phút. Trong khi họ kiểm tra hồ sơ khai thuế thấy nhà hàng mở cửa liên thông 12 tiếng, hầu như ngày nào cũng giống ngày nào, tổng cộng chỉ từ 80-90 thực khách/ngày.
Bới Bons tìm vết: Với 2 vụ kiểm tra đột xuất tại chỗ trên, họ bắt đầu bới từng hóa đơn chứng từ, Z-bon tìm vết vốn kinh doanh bận rộn suốt ngày chẳng mấy ai nghĩ tới, thậm chí có nhỡ “ăn vụng cũng không biết chùi mép”. Áp dụng phương pháp kiểm tra Modalwerte der Erlöse, nghĩa thông thường tiếng Việt là tần suất xuất hiện trị số Umsatz hàng ngày. Khái niệm tần suất thuộc lĩnh vực toán thống kê. Họ áp dụng phần mềm IDEA chỉ trong vài giây lập tức cho ngay kết quả. Bằng cách kiểm tra IDEA trên, kết quả cho thấy trong 3 năm kiểm tra, doanh số 1 ngày lặp lại nhất 2 lần. Nhiều nhất năm 2012 có 101 ngày doanh thu 331,50 Euro, thậm chí trong 2 ngày liền nhau. Năm 2013 có 76 ngày có doanh thu 380,70 Euro. Năm 2014, 89 ngày trùng doanh thu 298,50 Euro. Ba tháng đầu năm 2016 có tới 31 ngày trùng doanh thu ở con số kỳ lạ 333,30 Euro. Tất nhiên sự trùng lặp chưa thể cáo buộc được tội trốn thuế mà chỉ gieo sâu ngờ vực để họ phải bới lông tìm vết, biết đâu quét nhà “ra rác”. Sự trùng hợp trên càng đẩy ngờ vực thuế vụ lên cao hơn, khi họ thấy, thực đơn ông Q có tới hơn trăm món ăn, giá chênh nhau lại qúa lớn từ 1,50 tới 8,70 Euro, tức khả năng trùng Umsatz giữa các ngày rất thấp. Họ có biết đâu, nhà hàng bé tẹo ông Q chỉ ngang với toa xe ngoài đường, ông sao chép gộp bao thực đơn các nhà hàng lớn lại chỉ để quảng cáo nhà hàng mình cho rõ to. Thực ra khi bán cho khách ông đâu nhớ hết, cứ ước lượng làm tròn thấp nhất cho khách thành tiền chẵn hết, để mồi khách tới lần sau. Doanh số các ngày, vì vậy trùng nhau nhiều là lẽ đương nhiên. Khôn không lại trời, lại một chiêu ông Q chào hàng oan gia.
Kiểm tra cân đối tiền mặt: Tiền bán hàng thu được bị ngờ vực có vấn đề, thuế vụ liền chuyển qua tìm nguồn tiền sai lệch này chạy đi đâu. Kiểm tra nhật ký tài chính còn gọi sổ thu chi tiền mặt (Kassenbuch) nằm trong chương trình kế toán, họ phát hiện được năm 2013 có 18 lần, năm 2014 có 25 lần, 2015 có 17 lần và 3 tháng 2016 có 8 lần quỹ tiền mặt thực tế bị âm. Nhưng khi vào chương trình kế toán để tránh âm, tư vấn thuế viết một bút toán tự cho tiền mặt không rõ nguồn gốc vào quỹ để bù số tiền bị âm. Chẳng hạn, ngày 1.2.2016, tồn quỹ tiền mặt từ ngày hôm trước là 989,41 Euro. Thu tiền bán hàng 19% là 286,37 Euro, 7% là 200,80 Euro. Rút tiền mặt tiêu là 900,- Euro, còn dư quỹ tiền mặt cuối ngày 576,58 Euro. Nhưng cũng trong ngày hôm đó, ông Q ra ngân hàng nộp tiền vào tài khoản để trừ tiền thuê nhà lên tới 4.000 Euro, dẫn tới quỹ tiền mặt cuối ngày thay vì dư 576,58 thì âm 3.423,42 Euro. Để xóa số âm chềnh ềnh trên sổ sách này, tư vấn thuế cho vào 1 khoản tiền cá nhân đưa vào kinh doanh là 4000 Euro, để tổng tiền dư trong ngày vẫn dương 576,58 Euro, mà không lường trước rằng, chỉ cần bấm tài khoản tiền mặt, toàn bộ thu chi trên sẽ hiện ra, nếu không giải thích được, sẽ bị coi kế toán sai quy định.
(Còn tiếp)
Thời báo Việt Đức
Hãy nhấn “Thích Trang” và “Chia sẻ” bên dưới để mọi người có nhiều thông tin về pháp luật, các chế độ chính sách đối với người nước ngoài ở Đức trên trang Facebook của bạn!