Người dân xếp hàng đi xin nước như hình ảnh thời bao cấp của thế kỷ trước. Ai đó đã làm nên điều thần kỳ như vậy?
Khung cảnh dòng người xếp hàng đi xin nước sạch về sinh hoạt ở những xe téc hàng đêm có lẽ là một hình ảnh bất thường vào năm 2019 của thế kỷ 21 – cái thời đại mà đất nước đang hướng tới tương lai 4.0, của kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo, của hàng không vũ trụ, chứ không phải kế hoạch phổ cập nước sạch đến từng hộ gia đình.
Chúng ta đã qua lâu rồi cái thời chiến tranh, cái thời đói nghèo, cơm trộn bo bo, nước giếng ao tù. Nhưng như một sự hoài niệm kỳ quặc, có ai đó đã tua ngược dòng thời gian, đưa Hà Nội trở về với cái thời khốn khó ấy.
Bức ảnh dòng người cầm bình đi xin nước đầy trớ trêu đó, nếu dùng phần mềm chỉnh sửa ảnh sang đen trắng, đưa vào trưng bày trong viện bảo tàng, chắc ai cũng tin rằng đó là khoảnh khắc của 30 năm về trước thật sự.
Nhưng 30 năm trước đó, chúng ta không hề phải sống trong sự độc hại như hiện tại.
Cháy nhà máy Rạng Đông, bụi mịn và giờ đây là nước nhiễm dầu thải. Ai đó phải chịu đứng ra chịu trách nhiệm ở đây, cho 3 “thảm kịch” mà chúng ta trải qua chỉ trong vòng có 2 tháng.
Tôi đang tự hỏi, những người dân kém may mắn nào đó sống ở khu vực nhiễm thủy ngân gần nhà máy Rạng Đông, hít tràn phổi bụi mịn và giờ đây là sử dụng nước ô nhiễm dầu – sức khỏe họ đang tổn hại như thế nào?
Thêm một lần nữa, người dân luôn là đối tượng sau cùng biết đến sự thật. Với Rạng Đông là sự cố thủy ngân phát tán ra môi trường. Công ty trấn an theo cách lấp liếm, giấu tội. Phường ra khuyến cáo đến người dân nhưng phải rút lại sau đó. Người dân hoang mang.
Chỉ đến khi tuyên bố chính thức của Bộ Tài nguyên và Môi trường được đưa ra, tất cả mới vỡ lở ra môi trường nhiễm độc thực sự.
Sau đó là ô nhiễm không khí ở Hà Nội với những chỉ số lên mức báo động của ứng dụng đo chất lượng không khí AirVisual.
Đã có những tranh cãi về tính chính xác, về thuyết âm mưu của cái gọi là sự kích động “nỗi sợ hãi xã hội” đến từ ứng dụng nước ngoài này, nhưng rốt cuộc không khí Hà Nội ô nhiễm vẫn là điều không thể phủ nhận.
Sau hàng loạt những tranh cãi, phàn nàn, một khuyến cáo chính thức của cơ quan chức năng mới được đưa ra. Trong suốt cả tháng, người dân chỉ biết tự bảo vệ mình trước những luồng thông tin thật giả, lẫn lộn.
Và giờ đây, là tận cùng sự vô trách nhiệm của Công ty cổ phần kinh doanh nước sạch sông Đà. Nước của họ nhiễm dầu nhưng vẫn cố tình cung cấp cho người dân.
Họ đã biết sự việc có kẻ đổ dầu thải trộm nơi đầu nguồn, lan sang hồ chứa nước để cấp cho nhà máy, nhưng không có ai lập tức ngăn chặn sự ô nhiễm hay báo cáo cho cơ quan chức năng.
Họ cứ để mặc kệ, dẫn đến váng dầu đã chảy vào nguồn nước qua hệ thống xử lý nước của nhà máy, rồi vào hệ thống phân phối đến người dân ở các vùng Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Xuân.
Sự việc chỉ vỡ lở vài ngày sau đó, khi người dân ngửi thấy mùi cháy khét bất thường từ nguồn nước sinh hoạt hàng ngày.Nhưng đáp lại, ông Nguyễn Văn Tốn – Tổng giám đốc Công ty cổ phần kinh doanh nước sạch sông Đà – nói rằng đó chỉ là mùi clo vàcho rằng người dân chỉ đang “nhầm tưởng” đó là mùi khét?
Lời diễn giải khôi hài của ông Tốn đã nhận phải cái tát mạnh từ kết luận sau đó của cơ quan chức năng, xác nhận mùi khét từ nguồn nước là do chất Styren có từ dầu thải gây ra.
Không cần đếm khứu giác thính như loài vật, con người vẫn biết phân biệt được cái gì an toàn, cái gì là hiểm họa đối với mình. Và có lẽ, ông Tốn hơi coi thường bản năng sinh tồn của người dân Hà Nội.
Nếu cái thứ ô nhiễm dầu đó không bốc lên tận mũi thì có lẽ công ty này hẳn đã lấp liếm thành công tội ác của mình. Rồi cứđể thứ chất độc đólan vào nguồn nước tới từng hộ gia đình và điềm nhiên tháng nào cũng cho nhân viên đều đặn tới cổng í ới: Em ơi thu tiền “nước sạch”!
Người ta đặt câu hỏi là vì sao công ty nước sạch sông Đà lại phải giấu giếm như vậy, khi rõ ràng nguyên nhân gây ô nhiễm dầu vào nguồn nước không phải đến từ công ty.
Phải chăng, không như lời họ nói về việc đã biết trước có sự cố đổ trộm dầu thải nơi đầu nguồn, mà phải đến khi người dân phàn nàn về nước có mùi lạ, họ kiểm tra lại mới thấy nước của mình có mùi lạ thật!
Dù câu chuyện đằng sau có như thế nào, rõ ràng đã có một sự tắc trách ở đây, khi họ lơ là trong khâu kiểm nghiệm chất lượng nước và sự vô trách nhiệm khi coi thường mạng sống của người dân.
“Sắp tới công ty sẽ họp và nếu sai thì xin lỗi”, ông Nguyễn Văn Tốn đã nói như vậy trong cuộc họp báo vừa qua. Một câu nói nghe có vẻ đầy tính chất thủ tục và không có dấu hiệu nhận sai dù cái sai đã rành rành.
Nếu phải xin lỗi,ngay từ lúc này, ông lẽ ra phải đến từng xe téc cấp nước sạch đang là đích đến của người dân một số quận Hà Nội hàng đêm. Ở đó, ông hãy cúi đầu tạ lỗi trước từng người đang xếp hàng bê bình đến lấy nước chỉ vì cái sự tắc trách của ông.
Thiết nghĩ, nếu ông đã dũng cảm đến đó, hãy mang theo mình trang bị bảo hộ cần thiết. Vì bình nước đôi khi không để chứa nước mà có thể dùng làm công cụ trút cơn giận.
Như rất nhiều người từng nói, nếu xin lỗi mà giải quyết được tất cả, thì có lẽ không cần đến công an.
Theo Quốc Vinh / nguoiduatin.vn