Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Phân biệt giữa không và có năng lực trách nhiệm hình sự ở Đức

Ảnh minh họa: pixabay.com

TBVĐ- Khác với người không có năng lực trách nhiệm hình sự, người có năng lực trách nhiệm hình sự là những người biết rõ họ đang làm gì, họ làm sai điều gì.

Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự – tiếng Đức là schuldunfähig – được qui định trong điều 19 và 20 Bộ Luật hình sự; điều 21 qui định về tình trạng hạn chế năng lực trách nhiệm hình sự (vermindert schuldfähig). Theo đó, người có năng lực trách nhiệm hình sự là những người biết rõ họ đang làm gì, họ làm sai điều gì. Họ ý thức được mình đã phạm vào tội gì và và nhận biết rõ thế nào là phạm pháp.

Năng lực trách nhiệm hình sự là khả năng của một người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhận thức được tính nguy hiểm cho xã hội từ hành vi của mình và điều khiển được hành vi ấy. Điều đó đồng nghĩa với việc xác định tuổi của đối tượng phạm tội: Người trưởng thành từ 21 tuổi trở lên về cơ bản đều có năng lực trách nhiệm hình sự.

Ngược lại, trẻ em phạm tội trước 14 tuổi hầu hết được coi là không có năng lực trách nhiệm hình sự. Thanh thiếu niên từ 14 đến 18 tuổi được coi là có năng lực trách nhiệm hình sự có điều kiện (nghĩa là tùy hoàn cảnh), còn từ 18 đến 20 tuổi là những đối tượng có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, nhưng tùy theo xét xử của tòa vẫn có thể áp dụng hình phạt như với thanh thiếu niên.

Những yếu tố dẫn đến tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự là khi một người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhưng họ không nhận thức được hành vi đó là nguy hiểm và sai quấy, là phạm pháp, hoặc nhận thức được nhưng không điều khiển được hành vi đó. Điều này có thể xảy ra khi đối tượng bị mắc các bệnh rối loạn tâm lý, bị bệnh tâm thần, rối loạn ý thức, mất khả năng nhận thức, mắc bệnh mất trí, hoặc thậm chí khi đang bị say thuốc phiện, say rượu nặng.

Một người nếu uống rượu đạt mức 3,0 Promille lượng cồn trong máu thì có thể được coi là không có năng lực trách nhiệm hình sự, đối với tội giết người phải từ 3,3 Promille. Từ 2,0 Promille sẽ được coi là giảm nhẹ năng lực trách nhiệm hình sự, dưới mức đó thì coi như vẫn còn khả năng tự chủ hành vi của mình. Theo luật sư Sebastian Hanke làm việc tại thành phố Osnabrück cho biết, về lý thuyết thì một thủ phạm có thể dựa vào việc cố ý say thuốc phiện để gây án, rồi coi như mất ý thức, không có năng lực trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, vẫn còn điều luật 323a trong Bộ luật hình sự xử lý tình trạng “say xỉn” này. Trong đó qui định rằng, những đối tượng khỏe mạnh (không bị mắc các bệnh tâm thần nói trên) cố tình hoặc chẳng may để mình bị say thuốc hay say rượu quá độ, mất đi ý thức tự chủ bản thân, dẫn đến phạm pháp mà không thể dựa vào đó định tội vì lúc đó rơi vào trạng thái không có năng lực trách nhiệm hình sự, thì vẫn bị xử phạt tối đa 5 năm tù hoặc phạt tiền. Nếu có bằng chứng hoặc nhân chứng chứng minh rằng những đối tượng này trước khi gây án từng nói ra muốn uống say hoặc dùng thuốc để có ý định lách luật, sẽ bị coi như là tội cố ý gây án, là tội phạm có đủ năng lực trách nhiệm hình sự để xét xử.

Tình trạng hạn chế năng lực trách nhiệm hình sự là khi đối tượng chỉ nhìn nhận một phần lỗi và sai phạm của mình từ hành vi phạm pháp. Điều này được qui định trong điều 21 Bộ luật hình sự và dựa vào đó, đối tượng có thể được giảm án. Thông thường trong phiên xử, toà án sẽ cho mời bác sỹ pháp y chuyên ngành tâm thần học đến vừa khám vừa quan sát bị cáo, để có thể giám định mức độ không có năng lực trách nhiệm hình sự, đặc biệt là chứng nhận các bệnh rối loạn tâm lý, tâm thần mà bị cáo có thể mắc phải.

Một phạm nhân không có năng lực trách nhiệm hình sự thường không bị xử phạt như bình thường, ví dụ không bị kết án tù. Tuy nhiên, nếu đối tượng có những hành vi mang tính nguy hiểm cho cộng đồng hoặc xã hội, sẽ bị cưỡng chế phải chữa bệnh tại những bệnh viện tâm thần dưới sự giám sát của tòa án. Những điều kiện để được xuất viện thường rất hà khắc, phải do một giám định viên là bác sỹ chuyên ngành kiểm tra kỹ qua nhiều giai đoạn.

Thậm chí, thời gian chữa bệnh mà tòa án ấn định cho một phạm nhân không có năng lực trách nhiệm hình sự đôi khi còn lâu dài hơn là mức xử phạt bình thường. “Bởi vậy, nếu cố tình giả bệnh để mong được giảm nhẹ án thật ra không phải là một kế hoạch hay ho!” – luật sư Hanke nhấn mạnh một cách hài hước. Tính đến nay, tại Đức mới có khoảng 0,3% tổng số tội phạm “được” tòa xử là không có năng lực trách nhiệm hình sự và 2-3% là tội phạm hạn chế năng lực trách nhiệm hình sự.

Bình Minh