Adverb/số nhiều là Adverbien – hay còn gọi là Umstandswort – tiếng Việt gọi chung là phó từ, dùng để miêu tả cụ thể hơn về tình trạng và hoàn cảnh của sự việc, và đặc biệt, chúng là những từ không bao giờ biến đổi hay có thể chia ra các cách. Có 4 loại phó từ sau:
1. Phó từ chỉ địa điểm/nơi chốn (lokal) – wo? wohin? woher? – ví dụ: dort hinten, draußen, links, hier, oben, dort …
2. Phó từ chỉ thời gian (temporal) – wann? wie lange? wie oft? – ví dụ: heute, abends, bald, jetzt, sofort, gleich …
3. Phó từ chỉ cách thức/trạng thái (modal) – wie? auf welche Weise? – gern, barfuß, sehr gut, vergebens …
4. Phó từ chỉ lý do/nguyên nhân (kausal) – warum? weshalb? – darum, notfalls, deshalb …
Phó từ có các chức năng khác nhau trong câu như sau:
* Là một thành phần riêng biệt và độc lập trong câu, ví dụ: HIER werden Häuser gebaut.
* Là một bổ ngữ khi nó đi theo một từ nào hay một nhóm từ nào đó, ví dụ: SEHR gut, ABER AUCH GANZ normal, ZIEMLICH langweilig …
* Là bổ ngữ cho danh từ và sẽ được đặt ngay sau danh từ đó, ví dụ: der Mann DA HINTEN, die Straße LINKS, die Frau DORT OBEN …
* Khi nó đứng trong một cụm từ đi kèm động từ (bổ ngữ cho động từ), ví dụ: ich komme SPÄTESTENS MORGEN ZURÜCK
* Adverb còn có thể thay thế cho một nhóm danh từ như: wir reden über die Geburtstage unserer Freunde – WORÜBER redet ihr??
Vị trí của phó từ trong câu:
Phó từ – Adverbien – vừa có thể đứng ở đầu câu, vừa có thể đứng ở giữa câu. Dưới đây là một số nguyên tắc cơ bản. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cách khác nữa để đặt phó từ trong câu mà chỉ khi tập đặt câu cũng như giao tiếp nhiều, các bạn mới nắm bắt nhanh, hiểu và áp dụng chuẩn hơn!
a. Adverb đứng ở đầu câu thì ta nhận thấy rất đơn giản, vì thông thường thì khi ấy, vị ngữ (Prädikat) sẽ đứng thứ 2 ngay sau phó từ!
– ENDLICH treffen wir uns.
– HEUTE scheint die Sonne.
– SO sprechen sie miteinander.
b. Nếu Adverb đứng giữa câu thì ta sẽ có nhiều lựa chọn và cần chú ý một số nguyên tắc sau:
1. Phó từ sẽ đứng TRƯỚC AKKUSATIV-Objekt (đối tượng cách 4) và đứng SAU DATIV-Objekt (đối tượng cách 3):
– Ich kaufe mir (Dativ) SCHLIEßLICH eine neue Hose (Akkusativ).
– Er gibt sich STETS Mühe.
– Sie zeigte mir (Dativ) GERN ihre selbstgemachte Plüschtiere (Akkusativ).
2. Đặc biệt, để nhấn mạnh hay cường điệu câu kể, ta có thể đặt Adverb ngay SAU đối tượng cách 4 (Akkusativ-Objekt):
– Sie kann ihn NIRGENDS finden.
– Er liebt mich DOCH.
3. Adverb không được đặt trước đại từ (Pronomen). Nếu đối tượng cách 3 và 4 đều là đại từ (thay thế cho danh từ đã nhắc ở câu trước), thì phó từ phải đặt SAU 2 ĐẠI TỪ đó:
– Sie fragte die Verkäuferin, ob sie sie (die Hose) ihr FREUNDLICHERWEISE zur Probe überlassen könnte.
4. Nếu trong câu không có đối tượng, phó từ sẽ đứng ngay SAU ĐỘNG TỪ đã được chia:
– Ich kann LEIDER nicht kommen.
– Er kocht MANCHMAL selbst.
– Sie überlegt ZURZEIT, die Arbeit zu wechseln.
5. Nếu câu có đối tượng và thời gian, địa điểm đi kèm giới từ (Präposition), ta phải đặt phó từ TRƯỚC GIỚI TỪ:
– Ich treffe mich MANCHMAL mit meinen Freunden zum Kaffeetrinken.
– Sie ging GESTERN zum Arzt.
Cẩm Chi