Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Phong trào cực hữu Reichsbürger hay “công dân đế chế” ở Đức là gì và nguy hiểm như thế nào?

Ảnh minh họa: pixabay.com

Trong nước Đức, phong trào cực hữu Reichsbürger hay còn gọi là “công dân đế chế” đã thu hút sự chú ý của cảnh sát và cơ quan tình báo trong nhiều năm.

“Reichsbürger” là gì?

“Reichsbürger” là những người không công nhận Cộng hòa Liên bang Đức là một quốc gia. Họ tuyên bố sai sự thật rằng Đế quốc Đức lịch sử vẫn còn tồn tại đến ngày nay. “Reichsbürger” phủ nhận các cơ cấu dân chủ và pháp quyền hiện đại như Quốc hội, Luật hoặc Tòa án. Họ không muốn trả tiền thuế, tiền bảo hiểm xã hội hoặc tiền phạt. Tuy nhiên, họ không hình thành một phong trào thống nhất. Một số trong số họ coi mình là các nhà lãnh đạo quốc gia của chính họ, có chứng minh nhân dân và biển số xe của riêng mình.

Số lượng thành viên tham gia Phong trào cực hữu Reichsbürger?

Được cho là khoảng 23.000 người theo đuổi những quan điểm của Reichsbürger, với xu hướng tăng. Khoảng 10% (2100) trong số họ được xem là có xu hướng bạo lực. Theo thông tin của cơ quan an ninh, khoảng 1250 trong số đó là người cực hữu.

Reichsbürger nguy hiểm như thế nào?

Do “Reichsbürger” không công nhận Cộng hòa Liên bang Đức, họ cũng không công nhận các cơ quan công quyền của Đức. Thường xuyên, họ đe dọa các cảnh sát, nhân viên cơ quan hoặc thẩm phán. Trong những năm gần đây, Reichsbürger dính líu không ít các trường hợp phạm tội nghiêm trọng. Một số thành viên ra tòa vì tội giết người hoặc âm mưu ám sát. Cơ quan tình báo nội địa Đức ghi nhận số trường hợp liên quan Reichsbürger tăng mạnh từ năm 2020 đến 2021.

Nhà nước đã thực hiện những gì để đối phó với nhóm này?

Năm 2020, một tổ chức Reichsbürger đã bị cấm và giải tán lần đầu tiên. Hôm 7.12.2022, cảnh sát Đức triển khai đợt bố ráp quy mô lớn trên 11 bang, để truy quét các thành viên của “Reichsbürger”. Đây là tổ chức vũ trang cực hữu nhiều tháng qua theo đuổi âm mưu chuẩn bị cho “Ngày X”, thời điểm lật đổ chính phủ. Một số nghi phạm đã bị bắt trong đợt truy quét, trong đó có các cựu quân nhân và một cựu nghị sĩ của quốc hội Đức. Heinrich XIII. Prinz Reuss được cho là một trong những lãnh đạo của nhóm này, được gọi là “Liên minh yêu nước”. Ông 71 tuổi và bị tình nghi đóng vai trò dẫn đầu trong các kế hoạch đảo chính của nhóm.

Trung Hiếu (tổng hợp)