Mải khiêu vũ cùng nữ chính trị gia thân Nga đang lên ở Áo, ông Putin lần nữa đến muộn cho cuộc gặp khó nhằn với “bông hồng thép” của Đức Angela Merkel.
Không rùm beng như lần Thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Helsinki hồi tháng 7 nhưng cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin với Thủ tướng Đức Angela Merkel lần này lại khiến châu Âu, và có lẽ cả Washington, phải dõi theo và đau đầu suy tính.
“Khúc dạo đầu” từ Washington
Trong khi ở bên này Đại Tây Dương, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Vladimir đang nỗ lực xích lại gần nhau thông qua cuộc gặp tối 18/8 ở Berlin, thì ở bên kia bờ biển, Tổng thống Mỹ Donald Trump dõi theo với ánh mắt dò xét.
“Tôi không chắc là [việc mở rộng đường ống Dòng chảy phương Bắc từ Nga sang châu Âu] có vì lợi ích tốt nhất của Đức hay không” – Tổng thống Mỹ Donald Trump nói trong cuộc họp báo sau Thượng đỉnh Nga – Mỹ tại Helsinki. “Đó là quyết định mà họ phải đưa ra. Chúng tôi sẽ cạnh tranh [với Nga trong việc cung cấp khí đốt]”.
Đức “hoàn toàn bị kiểm soát bởi Nga”. Đó là cảnh báo của Tổng thống Donald Trump trước đó chỉ vài ngày, tại hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Nhưng những cảnh báo đó thật khó “lọt tai” người Đức, những người vốn cho rằng Tổng thống Trump chỉ đang cố làm hết cách này đến cách khác để “ép” họ mua khí đốt từ Mỹ mà thôi.
Ông Trump càng muốn hạ “knock-out” “Dòng chảy phương Bắc 2” bao nhiêu thì ông Putin và bà Merkel lại càng muốn chứng minh dự án này vẫn còn dẻo dai bấy nhiêu, bởi không ai muốn mình chỉ có một sự lựa chọn duy nhất trong đàm phán thương mại, cụ thể ở đây là khí đốt từ Mỹ.
Lúc này, “Dòng chảy phương Bắc” được khơi lại có thể sẽ còn mạnh mẽ hơn trước trong bối cảnh Mỹ trừng phạt Nga vì tranh cãi ngoại giao và căng thẳng thương mại với Liên minh châu Âu (EU).
Có lẽ hiểu được điều đó, trong các bình luận trước cuộc gặp với bà Merkel, ông Putin chỉ muốn xoáy sâu hợp tác kinh tế, đặc biệt là cung cấp khí đốt, bất chấp việc Thủ tướng Đức nhấn mạnh đến “trách nhiệm toàn cầu” trong hàng loạt vấn đề khác, trong đó có Ukraine và Syria.
“Sàn nhảy” Berlin
Không giống như ông Donald Trump, bà Merkel thích sự kín đáo. Thủ tướng Đức tỏ ra thận trọng trong nhận định trước thềm cuộc gặp Tổng thống Nga, và cũng tránh phạm phải sai lầm là “chấm điểm” thành công hay thất bại cho cuộc gặp này.
“Một cuộc gặp mặt làm việc” mà không trông đợi “kết quả cụ thể” nào là cách bà Merkel miêu tả về cuộc gặp với ông Putin.
Đây là cuộc gặp Nga – Đức đầu tiên trên lãnh thổ Đức kể từ khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014. Bầu không khí của cuộc gặp Nga – Đức lần này được cho là bớt căng thẳng hơn những lần trước, có lẽ bởi Tổng thống Nga Putin rất biết tìm cách khiến đối phương nhìn về cùng một hướng với mình, đặc biệt là với nhà lãnh đạo “thực dụng” như Thủ tướng Đức Merkel.
Vấn đề chủ chốt của cuộc thảo luận kéo dài tới tối muộn hôm 18/8 giữa Tổng thống Nga và Thủ tướng Đức là nhằm tăng gấp đôi công suất của “Dòng chảy phương Bắc” bằng việc thêm đường ống thứ ba và thứ tư trong năm tới. Điều này đã được đề cập bất chấp những quan ngại rằng đường ống dưới biển này sẽ được dùng để qua mặt và hạ thấp vai trò về kinh tế và chiến lược của các nước trung chuyển ở Trung và Đông Âu.
Ukraine đứng trước nguy cơ mất một nguồn thu khổng lồ từ phí chuyển giao nếu hệ thống phân phối khí đốt có từ thời Xô Viết của nước này không còn được dùng trung chuyển khí đốt khắp Trung Âu, trong khi bế tắc pháp lýliên quan đến việc Nga chuyển khí đốt đến và qua Ukraine vẫn chưa được giải quyết.
Ông Putin không loại trừ khả năng tiếp tục chuyển khí đốt qua Ukraine nhưng cho rằng Dòng chảy phương Bắc “là một dự án kinh tế đặc biệt” được thiết kế để giảm tối thiểu nguy cơ của quá trình vận chuyển nhằm tăng lượng khí đốt sang Đức mỗi năm.
“Tôi muốn nhấn mạnh vấn đề chính là đường trung chuyển truyền thống qua Ukraine đáp ứng các yêu cầu về mặt kinh tế” – ông Putin cho biết.
Trong khi đó, bà Merkel xoa dịu dư luận rằng, “nếu Dòng chảy phương Bắc 2 được triển khai thì Ukraine phải đóng một vai trò trong chuyển giao khí đốt cho châu Âu”.
Tập đoàn dầu khí Gazprome cung cấp 53 tỷ mét khối khí đốt cho Đức trong năm 2017, tăng 13% so với năm trước đó. “Dòng chảy phương Bắc 2” sẽ tăng năng suất đó gấp đôi lên 110 tỷ mét khối mỗi năm, cho phép Nga biến Đức trở thành trạm trung chuyển cho cả châu Âu.
Có lẽ vì thế, Đức đã ủng hộ dự án này bất chấp chỉ trích rằng nó có thể được dùng như một đòn bẩy để các nước phụ thuộc vào khí đốt nhập khẩu phải thỏa hiệp về mặt chính trị.
“Vũ điệu” ở Vienne
Cùng với việc hồi sinh “con Át chủ bài” mang tên “khí đốt”, ông Putin cũng ra thêm “đòn tâm lý” khiến giới chức châu Âu phải phấp phỏm hồ nghi.
“Đòn tâm lý” đó không chỉ là việc đến muộn tới 30 phút cho cuộc gặp với bà Merkel bởi ông Putin vốn đã “nổi tiếng” hay đến muộn trong các cuộc gặp quan trọng với các lãnh đạo nước ngoài, kể cả cuộc gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Helsinki.
Điều khiến các chính trị gia ở châu Âu phải hồ nghi ẩn sau nguyên nhân đến muộn của ông Putin.
Trước cuộc gặp với bà Merkel, Tổng thống Nga đã ghé qua một vườn nho ở bang Styria, đông nam nước Áo, để dự đám cưới của nữ Ngoại trưởng Áo Karin Kneissl.
Lời mời được cô dâu 53 tuổi đưa ra trong chuyến thăm của ông Putin đến Vienna đầu tháng 6 đã khiến dư luận trong và ngoài nước bất ngờ bởi quan hệ Nga và EU vốn căng thẳng sau vụ Crimea, nay càng khó xử hơn sau vụ London cáo buộc Moscow đầu độc cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái ở Anh.
Nhưng việc Tổng thống Nga nhận lời và thu xếp để đến Áo, dù chỉ với tư cách cá nhân, giữa lúc nước này giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU và ngay trước cuộc gặp với bà Merkel còn khiến giới chức khối này bất ngờ và lo lắng hơn.
Không chỉ xuất hiện tại đám cưới với một bó hoa trên tay, theo sau là một tốp ca Cossack hát mừng cặp vợ chồng mới cưới, ông Putin còn tay trong tay nhảy với cô dâu Kneissl và ghi lưu bút chúc phúc cho họ.
Tổng thống Putin còn có “một lời chúc khá dài bằng tiếng Đức mà trong đó ông bày tỏ lời cảm ơn và vui mừng vì đã có cơ hội đến thăm nước Áo mến khách” – người phát ngôn của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov cho biết.
Chưa từng có bài báo nào nói về mối quan hệ bạn bè giữa ông Putin và bà Kneissl thân thiết đến mức nào nhưng nữ chính trị gia này được bổ nhiệm chức Ngoại trưởng bởi đảng Tự do cực hữu (FPO) ở Áo vốn công khai ủng hộ Nga và có quan hệ chính thức với đảng Nước Nga thống nhất của ông Putin. Đảng FPO của Áo còn kêu gọi chấm dứt các trừng phạt chống lại Nga.
Việc tới dự đám cưới bà Kneissl như là một cách để Tổng thống Putin chứng tỏ ông không những không bị cô lập mà còn có đồng minh trong lòng châu Âu, một thông điệp quan trọng cho công chúng trong và ngoài nước Nga giữa lúc quan hệ Moscow với phương Tây căng thẳng.
“Có lẽ bà ấy cũng không nhận ra rằng mình đang bị lợi dụng” – cựu nhân viên Bộ Quốc phòng Áo, nay là nhà nghiên cứu tại Hội đồng châu Âu về Đối ngoại ở Berlin, ông Gustav Gressel chia sẻ. “Bà ấy nghĩ rằng điều này khiến bà ấy quan trọng hơn vì bà ấy là một người bạn tốt của ông Putin”.
Chỉ từ một lời mời có lẽ mang khá nhiều tính chất xã giao, ông Putin đã khiến cả châu Âu phải xì xào bàn tán và phấp phỏng lo âu về mục đích thực sự của Moscow.
Ông Gressel cho rằng, chính sự thân mật giữa ông Putin với bà Kneissl đã khơi lại những hồ nghi của EU về định hướng của Vienna và làm suy yếu vị thế của Áo trong thời điểm quan trọng với châu lục này.
Nhưng không thể phủ nhận một điều rằng, liên minh cầm quyền Áo, dưới sự dẫn dắt của Thủ tướng trẻ tuổi theo đường lối bảo thủ Sebastian Kurz, người cũng xuất hiện tại lễ cưới, đang tìm cách xây dựng cầu nối với Moscow.
Chính phủ mới của Áo vẫn khẳng định chia sẻ lập trường chính sách đối ngoại với EU nhưng họ là một trong số những nước châu Âu từ chối trục xuất nhà ngoại giao Nga sau những tranh cãi về vụ Skripal.
Sự ra đi nhập nhằng của Anh và cuộc khủng hoảng người nhập cư vào EU đã đào sâu hơn những bất đồng và căng thẳng giữa các nước thành viên của khối. Và Áo là một trong những nước có biểu hiện rõ nét của việc ngày càng xa rời EU và có khả năng rơi vào tầm ảnh hưởng của Nga./.
Theo Diệu Hương / vov.vn