Nước Đức đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nhà ở lớn nhất từ trước tới nay với khoảng 1,2 triệu người vô gia cư vào năm 2018.
Tháng 11 ở Berlin, Đức, ngày đã bắt đầu ngắn hơn và đêm thì lạnh hơn với nhiệt độ ngoài trời khoảng 7 độ C. Với khoảng 10.000 người vô gia cư ở thành phố này, cuộc sống lang thang trên đường phố trở thành cuộc chiến để sống sót. Già nửa trong số họ tránh được nguy cơ chết vì hạ thân nhiệt nhờ “Kaltehilfe”, một dự án được nhà thờ và các tổ chức từ thiện tài trợ với mục tiêu cung cấp giường ngủ cho người vô gia cư hoàn toàn từ ngày 1-11 đến 31-3.
Những “cư dân” sống nhờ hè phố
Cũng khá giống với dự án “Kaltehilfe”, từ trước Giáng sinh năm 2016, Sven Ludecke, một nhiếp ảnh gia sống ở thành phố Cologne, Đức đã bắt đầu dự án hỗ trợ người vô gia cư của mình. Với mục tiêu “không ai phải ngủ ngoài phố đêm Giáng sinh”, anh cùng cộng sự đã thiết kế và trực tiếp đóng những căn lều bằng gỗ cho người vô gia cư. Chỉ rộng vừa đủ kê một tấm đệm đơn và chiều cao bằng đầu người, những “túp lều” kiểu mới đảm bảo tiêu chuẩn tối thiểu là giúp những người lang thang tránh được mưa gió và cả tuyết lạnh trong suốt mùa đông nước Đức.
Song với mức giá vật liệu và công vận chuyển lên tới gần 1.000 euro cho mỗi “túp lều” như vậy, dự án của Sven Ludecke chỉ có thể cung cấp tối đa 200 chiếc cho người vô gia cư. Điều đó cũng có nghĩa là khoảng 4.800 người vô gia cư ở Cologne vẫn tiếp tục sống trong cảnh “màn trời chiếu đất” trong nền nhiệt độ có lúc xuống đến âm.
“Tôi thực sự sợ mùa đông”, Ioannis, một người nhập cư 31 tuổi đến từ Romania hiện sống ở Mainz, thủ phủ của bang Rheinland-Pfalz cho biết, “Nhưng dù sao cũng vẫn còn may là nhà chức trách phớt lờ việc tôi dựng lều bên dưới gầm cầu”. Thu nhập của thanh niên này vào khoảng 15-20 euro/ngày, khoản tiền vừa đủ để sống sót ở Mainz. Có khoảng 1/3 số người vô gia cư ở Mainz đến từ Đông Âu như Ioannis, do đó họ không được hưởng bất cứ khoản phúc lợi xã hội nào. Cũng có những tổ chức từ thiện sẵn sàng hỗ trợ nơi trú chân tạm thời cho họ như nhà thờ, song nguồn cung luôn luôn thấp hơn nhiều lần so với nhu cầu. Trong suốt mùa đông năm ngoái, nhà thờ Tin Lành ở Mainz cũng chỉ có thể lo chỗ ngủ cho 24 người vô gia cư, một con số quá nhỏ.
“Sự thất bại trong việc thực hiện chính sách nhà ở cũng như hiệu quả thấp của cuộc đấu tranh chống lại tình trạng nghèo nàn ở Đức trong vòng mấy thập kỷ qua đã dẫn đến sự thiếu hụt về nhà ở”.
Thomas Specht Chủ tịch Hiệp hội vô gia cư Đức
Đáng nói là không chỉ có người nhập cư Đức mới phải sống trên hè phố. Angelika, người từng làm trợ lý cho phòng khám nha khoa suốt 20 năm cho biết, khi nghỉ việc ở tuổi 49 do trầm cảm, bà lập tức gia nhập đội quân sống nhờ vào hè phố. Dù mua được một căn hộ một buồng bằng khoản tiền trợ cấp, song Angelika vẫn lang thang ăn xin trên phố suốt ngày. “250 euro một tháng đơn giản là không đủ chi tiêu”, Angelika cho biết.
Sự thất bại trong thực thi chính sách
Theo ước tính của Hiệp hội Vô gia cư Liên bang Đức, hiện có khoảng 860.000 người dân nước này đang sống tạm bợ trong cảnh không nhà cửa. Tuy nhiên con số này được dự đoán sẽ tăng thêm ít nhất 40% trong năm tới, theo thông tin từ hãng thông tấn DW.
Con số thống kê cấp liên bang năm 2016 cho thấy, có khoảng 440.000 người vô gia cư ở Đức là người nhập cư. Tuy nhiên không phải tất cả số này đều sống trên đường phố, vì nhà chức trách Đức cũng thống kê cả những người sống trong những khu nhà công cộng hoặc trong các lều tạm.
Năm 2015, chính quyền của nữ Thủ tướng Angela Merkel quyết định cho phép 1 triệu người nhập cư vào Đức, và quyết định này được coi là nguyên nhân khiến số lượng người vô gia cư ở Đức tăng lên nhanh chóng. Dù vậy, Hiệp hội Vô gia cư Liên bang Đức nhấn mạnh “tình trạng nhập cư khiến cho tình hình chung trở nên trầm trọng hơn, song đó không phải là nguyên nhân duy nhất của sự thiếu hụt về nhà ở”. Chính nguồn cung nhà xã hội và nhà giá rẻ mới bị xem là nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng này.
Được biết, số lượng nhà ở xã hội đã giảm tới 60% trên toàn nước Đức tính từ năm 1990. “Sự thất bại trong việc thực hiện chính sách nhà ở cũng như hiệu quả thấp của cuộc đấu tranh chống lại tình trạng nghèo nàn ở Đức trong vòng mấy thập kỷ qua đã dẫn đến sự thiếu hụt về nhà ở”, Thomas Specht, chủ tịch Hiệp hội vô gia cư cho biết.
Theo Ngọc Hưng / anninhthudo.vn